Các thị trường mới nổi dẫn đầu xu hướng phục hồi

Moody's | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 19 Tháng Tám 2010 17:19:00

Trong khi các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và EU đang phải đương đầu với nguy cơ suy thoái và giảm phát thì các nước đang phát triển châu Á và Mỹ Latinh đang phải tìm cách hãm tốc độ tăng trưởng quá nóng của mình.

Xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới đang chia làm hai nhánh rõ rệt và những thách thức mà các quốc gia phải vượt qua trở nên ngược nhau. Các thị trường mới nổi của châu Á và Nam Phi đang đi đầu trong xu hướng tăng trưởng, thể hiện ở sản lượng công nghiệp và tỷ lệ lao động tăng cao. Những quốc gia như Nam Phi đã không còn phải lệ thuộc vào các gói kích thích tài chính. Nền kinh tế khu vực Nam Mỹ bao gồm Brazil, Argentina, Chile… đã có khả năng tự bình ổn nhờ vào sự tăng mạnh của nhu cầu tiêu dùng nội địa và nước ngoài. Nhiều quốc gia trong số đó như Brazil và Peru đang phải xem xét dừng các chương trình kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn tăng trưởng nóng.

Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và tạo động lực cho thương mại quốc tế. Thành tích đó chủ yếu dựa vào nguồn kích thích tài chính mạnh mẽ từ tín dụng ngân hàng và đóng góp tích cực từ khu vực tư nhân trong năm qua. Nửa đầu năm 2010, tiêu dùng của hộ gia đình tại Trung Quốc tăng trên 10%/năm và đầu tư cố định tăng hơn 12%. Nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh mẽ cùng việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng rộng khắp khiến giá hàng hóa trong nước tăng nhanh đồng thời là cứu cánh cho ngành xuất khẩu của các đối tác như Nhật, Hàn Quốc, Đức và Đài Loan. Hiện nay, mặc dù lạm phát Trung Quốc vẫn ở mức thấp khoảng 3% nhưng tại các thành phố lớn, hiện tượng bong bóng nhà đất đã xuất hiện, đe dọa đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nguồn cầu nội địa khổng lồ cũng là động lực tăng trưởng chính của Ấn Độ. Theo các chuyên gia, trong năm nay, Ấn Độ có thể đạt tăng trưởng 8%. Tổng đầu tư 6 tháng đầu năm đã vượt qua 15%/năm khiến các gói cứu trợ kinh tế của chính phủ trở nên không còn cần thiết. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Ấn Độ không thể đạt mức như kỳ vọng do hiện tượng thiếu điện sản xuất và hạn chế về cơ sở hạ tầng xảy ra tại nhiều vùng trọng yếu. Bên cạnh đó, lạm phát giá thực phẩm đã khiến ngân hàng trung ương Ấn Độ tăng lãi suất lên gấp 4 lần trong quý II vừa qua.

Các nền kinh tế khối ASEAN trong đó có Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng nhờ vào các gói kích thích của chính phủ, sự bình ổn của thị trường tài chính toàn cầu và nhu cầu nhập khẩu tăng từ các nước đối tác.

Trái ngược với xu thế tăng trưởng nóng trên, các nền kinh tế phát triển mà tiêu biểu là Nhật Bản đang phải chật vật thoát khỏi tình trạng trì trệ có chiều hướng tiêu cực của mình. Trong quý I/2010, GDP Nhật Bản tăng gần 5%/năm nhờ nhu cầu nhập khẩu từ các nước châu Á tăng mạnh, chi tiêu nội địa cũng được thúc đẩy phần nào nhờ các chính sách trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó đã không thể kéo dài sang đến quý II. Thu nhập giảm, khiến tiết kiệm tăng lên, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, dẫn đến kinh tế đình đốn và tiền lương của chính người Nhật cũng vì đó mà giảm theo, tạo nên một vòng luẩn quẩn chưa thấy lối ra.

Tại châu Âu, GDP của nhiều nước đã lấy lại nhịp độ tăng trưởng trước thời kỳ khủng hoảng nhưng hầu như chỉ dựa vào chi tiêu của các chính phủ. Tiêu dùng tư nhân vẫn trong tình trạng trì trệ còn các chi tiêu đầu tư đang bị thu hẹp dần. Trong khi đó, khủng hoảng nợ công của các quốc gia khiến chính phủ không thể dừng các biện pháp tài chính mạnh tay bất chấp kinh tế nội địa đình đốn. Đây là những yếu tố chính khiến mối lo về một cuộc suy thoái kép có thể xảy ra tại Eurozone thay vì giúp các quốc gia khống chế thâm hụt ngân sách, bởi vì kinh tế đình đốn sẽ khiến nguồn thu thuế của chính phủ giảm trong khi chi tiêu công cho trợ cấp thất nghiệp và các phúc lợi xã hội tăng.

Sự khác biệt rõ rệt giữa hai khối kinh tế khiến chính phủ các nước theo đuổi những chính sách gần như ngược nhau. Tại các quốc gia châu Á và Nam Mỹ, ngân hàng trung ương đang phải thực hiện biện pháp thắt chặt tài chính. Ấn Độ và Malaysia đã tăng lãi suất cơ bản lên vài lần trong năm nay. Singapore thắt chặt tiền tệ bằng cách cho phép tăng tỷ giá hối đoái. Các nước phục hồi chậm hơn như Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan hiện cũng bắt đầu bình ổn chính sách tiền tệ của mình.

Các nước Mỹ Latinh như Brazil, Chile, Argentina tuy cũng bắt đầu thắt chặt tín dụng nhưng không dám làm mạnh tay vì lo ngại về viễn cảnh kinh tế thế giới khi nhu cầu tiêu dùng trong nước không thể bù đắp được cho nguồn cầu nước ngoài giảm sút tại các khu vực như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Tại các nước phát triển, yêu cầu một chính sách nới lỏng tiền tệ lại đang trở nên bức thiết. Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và khả năng thiểu phát, Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ đang lên kế hoạch duy trì lãi suất cơ bản trong khoảng 0% đến 0,25% trong thời gian dài. Nguyên nhân tương tự cũng khiến ngân hàng trung ương châu Âu ECB không thể thắt chặt tài chính trước khi kết thúc năm 2011.

 

Quang Cương