Đặt mục tiêu thoái vốn tại nhiều công ty vận tải biển đang nắm giữ cổ phần trong năm 2021 nhưng với những gì đang diễn ra tại những đơn vị này, khả năng thành công của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, tên cũ là Vinalines) là quá mịt mờ.
VIMC vừa gửi đến cổ đông tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2021 và 5 năm tiếp theo trước khi diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào ngày 22/4 tới. Theo đó, trong năm nay, VIMC sẽ thoái vốn khỏi 12 doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có 8 công ty sẽ thoái hết toàn bộ cổ phần mà VIMC đang nắm giữ.
Danh mục quen thuộc
Danh mục các công ty mà VIMC thoái toàn bộ vốn gồm: CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart, mã: VST), VIMC thoái gần 30 triệu cổ phần (tương ứng tỷ lệ sở hữu 49%); CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (OSTS, mã: NOS): hơn 9,8 triệu cổ phần (tương ứng 49%); CTCP Vận tải biển Hải Âu (Sesco, mã: SSG) với tỷ lệ nắm giữ 26,46%; CTCP Hợp tác lao động với nước ngoài (Ilano, mã: ILC) với tỷ lệ nắm giữ 24,9%; CTCP Đầu tư và thương mại hàng hải Hải Phòng với tỷ lệ nắm giữ 12,94%; CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM, 48,97%); CTCP Vinalines Nha Trang với tỷ lệ nắm giữ 98,34%...
Ngoài ra, trong năm nay, VIMC cũng dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 56% xuống còn 51% tại CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân (mã: CPI), Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao; từ 51% xuống 49% như tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã: VOS), giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 36% tại CTCP Vận tải biển Vinaship (Vinaship, mã: VNA).
Sở dĩ gọi danh mục thoái vốn của VIMC trong năm nay là quen thuộc, bởi đây đều là những cái tên có trong danh sách thoái vốn từ năm 2020.
Thậm chí trước đó, nhiều nhà đầu tư còn kỳ vọng sẽ có một sóng thoái vốn trong năm 2020 từ danh mục “dài dằng dặc” của VIMC, vì nhiều doanh nghiệp trong số này có vị thế đầu ngành vận tải biển, cùng với đó là tỷ lệ thoái vốn lớn giúp các nhà đầu tư quan tâm có thể tiến tới sở hữu chi phối.
Lý giải nguyên nhân việc muốn thoái vốn tại hầu hết tất cả các công ty vận tải biển thành viên, VIMC cho biết, mảng vận tải biển đang thua lỗ nặng. Trong năm 2020, nếu như mảng khai thác cảng và mảng dịch vụ hàng hải của VIMC đều có lãi thì khối vận tải biển lại ghi nhận mức lỗ tới hơn 684 tỷ đồng.
Đồng thời, VIMC muốn thoái vốn mảng vận tải biển để dồn lực tập trung cho 2 mảng có doanh thu tốt là mảng khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Cùng với việc thoái vốn tại các công ty vận tải biển, trong bối cảnh của thua lỗ của mảng kinh doanh này, VIMC cũng sẽ tiếp tục bán thanh lý 10 tàu biển (4 tàu thuộc công ty mẹ, 6 tàu thuộc các công ty thành viên).
Hành trình gian nan
Thực tế, việc thoái vốn tại các nghiệp thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã góp phần đưa tổng số nợ phải trả của toàn VIMC nhanh chóng giảm từ 67.550 tỷ đồng trong năm 2013 xuống còn 23.981 tỷ đồng trong năm 2016. Đến ngày 31/12/2020, tổng số nợ phải trả của VIMC chỉ còn 15.056 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào của VIMC khi đem ra thoái vốn cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là danh sách gần như còn nguyên từ năm 2020 chuyển sang năm 2021.
Do vậy, một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của hoạt động thoái vốn chính là yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Thế nhưng, đối với nhóm doanh nghiệp mà VIMC chuẩn bị thoái vốn thì chỉ có thể dùng từ “bết bát” để miêu tả.
Đơn cử như tại OSTS, công ty vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với 220 tỷ đồng doanh thu, giảm 23% so với cùng kỳ; ghi nhận lỗ 225 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của OSTS là hơn 200 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu âm 4.150 tỷ đồng do phải chịu số lỗ luỹ kế lên tới 4.399 tỷ đồng.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, đến khi nào OSTS mới có lãi khi doanh nghiệp này liên tiếp kinh doanh yếu kém và thua lỗ kéo dài mỗi năm vài trăm tỷ đồng từ năm 2012 đến nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NOS đang giao dịch tại mức giá 700 đồng/cp và đang trong diện hạn chế giao dịch do âm vốn chủ sở hữu.
Hay như trường hợp của Vosco, là một doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển Việt Nam, không chỉ về bề dày kinh nghiệm hoạt động 50 năm mà còn bởi quy mô tài sản, nguồn vốn và năng lực vận tải.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh chính của Vosco những năm qua liên tục thua lỗ, lợi nhuận phụ thuộc vào thu nhập khác như thanh lý tàu, xóa, giảm lãi vay… Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất của Vosco thì kết thúc năm 2020, doanh nghiệp này báo lỗ gần 187,3 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VOS có thanh khoản khá tốt nhưng cũng chỉ đang giao dịch tại mức giá “trà đá, mớ rau” và đang trong diện bị cảnh báo.
Kinh doanh thua lỗ, mất cân đối tài chính, cổ phiếu giao dịch èo uột... cũng là tình trạng của nhiều doanh nghiệp khác trong nhóm VIMC đang dự kiến thoái vốn trong năm nay.
Trong năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khó khăn của ngành cảng biển là không thể phủ nhận nhưng đối với nhóm công ty thuộc VIMC, những khoản lỗ lớn liên tiếp nhiều năm trong bối cảnh ở giai đoạn chưa có dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn tìm kiếm được lợi nhuận khiến giới đầu tư phải đặt ra dấu hỏi lớn.
Ngay chính bản thân công ty mẹ là VIMC cũng chưa tạo được sự tin tưởng từ giới đầu tư khi “vết đen” liên quan đến bê bối thua lỗ và tham ô trong giai đoạn trước tái cơ cấu (2013) vẫn chưa thể xóa hết, hoạt động của VIMC gần như “dậm chân tại chỗ” chưa thể tìm thấy điểm sáng.
Từ những yếu tố này, nhiều ý kiến cho rằng khả năng thoái vốn thành công của VIMC trong năm nay không khá hơn năm 2020 là bao nhiêu, thậm chí rất mịt mờ dù thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.
Linh Đan