Nỗi lo nợ châu Âu trở lại

Theo báo chí nước ngoài | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 16 Tháng Tám 2010 10:01:00

Nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã giảm đi đáng kể trong thời gian gần đây nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã kết thúc.

Ireland tuần qua vừa cho nhà đầu tư một lời nhắc nhở mới nhất khi lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt. Lãi suất trái phiếu Ireland kỳ hạn 10 năm hiện là 3%/năm so với 2,25% một tuần trước đó.

Ám ảnh về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lại bị thổi bùng lên bởi những lo lắng về “sức khỏe” của lĩnh vực ngân hàng của Ireland chỉ vài tuần sau khi bài kiểm tra “stress test” của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đối với các ngân hàng thành viên kết thúc.

Báo chí nước ngoài tuần qua đưa tin ECB đã mua trái phiếu chính phủ Ireland ngắn hạn trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” sự bất ổn (volatility) giới đầu tư. Động thái này của ECB nằm trong chương trình mua trái phiếu chính phủ được khởi động từ tháng 5 vừa qua.

“Việc mua trái phiếu chính phủ Ireland của ECB sẽ tạo thời gian cho nước này giữ cho ngôi nhà ổn định trở lại hoặc là tự đào hố cho họ,” Ciaran O’Hagan, chiến lược thị trường trái phiếu tại Societe Generale SA tại Pháp, cho biết.

Sự căng thẳng được gắn với những lo lắng rằng chi phí cho khoản cứu trợ đối với hệ thống tài chính đang rắc rối của Ireland sẽ tăng cao khi đầu tuần qua Ủy ban châu Âu đã đồng ý cho chính phủ Ireland chi thêm 10 tỷ euro (12,9 tỷ USD) để quốc hữu hóa ngân hàng Anglo Irish Bank. Được biết Anglo Irish Bank không phải là ngân hàng nằm trong số phải tham gia bài kiểm tra “stress test” của ECB.

“Trong khi mọi con mắt đều đổ dồn vào Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tình hình trong lãnh thổ châu Âu có thể có diễn biến tệ đi,” Jane Foley, giám đốc nghiên cứu tại Forex.com, nói.

Cũng trong tuần này, ngân hàng Bank of Ireland, một trong những ngân hàng được cho là tốt nhất tại Ireland, công bố lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm giảm 66% do thu nhập từ cho vay giảm và các khoản lỗ từ việc bán các tài sản rủi ro cho quỹ cứu trợ của chính phủ.

“Các ngân hàng nước này thì vẫn còn mong manh,” Thomas Conefrey, một nhà kinh tế tại Economic and Social Research Institute, một cơ quan kinh tế hàng đầu của Ireland, thừa nhận.

Các nước nợ lớn ở châu Âu từ Hy Lạp to Bồ Đào Nha đều được “khuyến cáo” học tập Ireland trong việc thực hiện các biện pháp khắc khổ nhằm đưa ngân sách trở lại đúng quỹ đạo. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế cũng lo ngại Ireland sẽ không thể kiểm soát được tình hình.

“Ireland đã là một mô hình học tập cho nhiều người lạc quan rằng một đất nước có sự kỷ luật cần thiết thì có thể tự giải quyết được nhiều vấn đề. Trong khi điều này vẫn có thể đúng, dường như các rủi ro vẫn đang gia tăng là nền kinh tế nước này có thể đang bắt đầu một quá trình khắc khổ,” Jim Reid, chiến lược gia tại Deutsche Bank, nói.

Theo số liệu của Markit, chi phí để bảo hiểm các khoản nợ chính phủ Ireland khỏi vợ nợ tiếp tục tăng. Được biết biên độ mua bán (spread) đối với khoản nợ Credit Default Swap (CDS) chính phủ kỳ hạn 5 năm đã tăng thêm 12 điểm cơ bản lên 282 điểm, so với mức đỉnh 286 đầu tháng 6 vừa qua, sau khi giảm xuống ngưỡng 199 điểm vào đầu tháng 8 khi ECB tiến hành  “stress test”.

Điều này có nghĩa là chi phí bảo hiểm cho khoản nợ 10 triệu USD của chính phủ Ireland đã tăng lên 282.000/5 năm. Trong khi đó độ rủi ro các khoản nợ CDS của các nước trong khối châu Âu cũng tăng mạnh. Spread của nợ CDS của Italia hiện đứng ở mức 184 điểm, so với 132 điểm đầu tháng 8, Tây Ban Nha là 221 so với trước 185 và Bồ Đào Nha là 273 so với 222 trước đó.

Sự gia tăng spread diễn ra sau khi EU đồng ý chi thêm tiền để cứu Anglo Irish Bank cho thấy nhà đầu tư bắt đầu lo lắng trước các khoản nợ của Ireland.

Sự bất ổn của các khoản nợ chính phủ làm gia tăng sức ép lên đồng euro, vốn đã mất giá mạnh trước đồng USD trước những lo lắng về sự hồi phục của kinh tế châu Âu. “Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ những bất ổn, phiền toái của Ireland có tạo ra một sự lo lắng dây chuyền đối với các khoản nợ chính phủ khác hay không,” Foley nói.

Ireland “gặp hạn” năm 2008 khi bong bóng bất động sản nước này vỡ, đe dọa hệ thống ngân hàng vốn đã đổ quá nhiều tiền vào đó. Điều này đã khiến chính phủ buộc phải tung tiền ra giải cứu và làm gia tăng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Ireland hiện là “trung tâm” lo lắng của châu Âu khi các nhà đầu tư cho rằng hệ thống ngân hàng nước này vẫn cần sự giúp đỡ thêm. Và nếu chính phủ nước này không tiến hành giải quyết các vấn đề cơ bản, một số ngân hàng, thậm chí là ngân hàng lớn như Anglo Irish Bank, cũng sẽ gặp nhiều rắc rối.

Ireland cũng đã tiến hành nhiều việc cần thiết như cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế, bơm tiền ra cứu các ngân hàng ốm yếu…Nhưng bất chấp những nỗ lực, hệ thống ngân hàng nước ngày vẫn rất tệ và cần được giúp đỡ thêm.   

Cho tới nay chính phủ Ireland vẫn không nói là họ sẽ làm gì tiếp theo và Quốc hội nước này thì đang trong kỳ nghỉ. 

Những gì đang diễn ra tại Ireland cho thấy rõ ràng vấn đề nợ ở châu Âu vẫn chưa kết thúc. Không quá ngạc nhiên khi các nhà phân tích cho rằng những vấn đề mang tính hệ thống tại khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa được giải quyết và vẫn sẽ chưa được giải quyết trong thời gian tới.

 

Nguyên Hưng