Vietcombank lãi 7.000 tỷ đồng quý I/2021, tự tin có thể tăng tín dụng 14%

BDT | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 05 Tháng Tư 2021 08:52:00

Kết quả kinh doanh quý 1/2021 khả quan, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho hay, lợi nhuận 25.200 tỷ đồng của ngân hàng là trong tầm tay.

Tín dụng tăng mạnh, “hãm” huy động vì thanh khoản dư thừa

Kinh tế thế giới và trong nước phục hồi mạnh mẽ đang tác động tích cực đến tín dụng các ngân hàng.  Thông thường mọi năm, tín dụng tăng chậm tron quý I song năm nay lại bật tăng mạnh ngay từ đầu năm. Chính vì vậy, dù NHNN đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng (12 - 14%; 10-12% và 7-8%) song ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chắc chắn vượt 10%.

Riêng Vietcombank, tín dụng 3 tháng đầu năm đã tăng 3,69%, mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Năm 2021, ngân hàng này được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5%, cao nhất trong khối ngân hàng có vốn nhà nước (chỉ khoảng 6-7,5%). Theo chủ tịch HĐQT Vietcombank, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên nhiều yếu tố: khả năng tăng tín dụng; nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên; nợ xấu thấp; tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của ngân hàng cũng chỉ ở mức 71% trong khi đa số các ngân hàng khác đều trên 90%. Với kết quả tăng tín dụng 3 tháng đầu năm, ông Thành tự tin cho rằng, nếu NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, Vietcombank có thể tăng tín dụng 14%.

Năm 2020, Vietcombank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu năm là 7,5% đầu năm, song do chất lượng tín dụng tốt, thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất (5 đợt giảm lãi suất) hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp nên sau đó đã được NHNN điều chỉnh chỉ tiêu lên 14%.

Dù dẫn đầu về quy mô tín dụng, thanh khoản của Vietcombank đang rất dồi dào. Vietcombank cũng đang là nhà cho vay lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng. Do dư thừa nguồn vốn, để tăng hiệu quả kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng này đang đề ra kế hoạch không tăng trưởng nguồn vốn huy động, do đó duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng khác khoảng 0,2%.

“Mặc dù lãi suất huy động của Vietcombank thấp nhất thị trường nhưng do khách hàng tín nhiệm, huy động tiền gửi cá nhân của Vietcobank vẫn tăng cao. Riêng tiền gửi doanh nghiệp có giảm do ngân hàng chủ động giảm song xét về tổng nguồn vốn huy động, Vietcombank vẫn dẫn đầu thị trường về quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA)”, ông  Nghiêm Xuân Thành cho hay.

Cũng theo chủ tịch HĐQT Vietcombank, lợi nhuận ngân hàng này quý 1/2021 ước đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm. Với kết quả này, lãnh đạo Vietcombank tự tin khẳng định, mục tiêu lợi nhuận năm 2021 (25.200 tỷ đồng) nằm trong tầm tay.

3 trụ cột tăng trưởng: Tiền rẻ, bán lẻ và dịch vụ

Năm 2020, lần đầu tiên trong 5 năm, lợi nhuận Vietcombank không tăng trưởng, nguyên do là ngân hàng chủ động giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời tăng dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn, bền vững. Tuy nhiên, năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng được dự đoán là sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là nếu những quý cuối năm, NHNN điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank có 3 trụ cột tăng trưởng: tiền rẻ, bán lẻ và dịch vụ.

Với trụ cột đầu tiên, như đã nói, hiện nay Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống về quy mô nguồn tiền giá rẻ (bao gồm tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiền gửi lãi suất thấp).

Trụ cột thứ hai (bán lẻ) được Vietcombank khởi động từ năm 2013 – khi vẫn còn là ngân hàng bán buôn. Sau 6 năm, Vietcombank đã chuyển dịch mạnh mẽ từ ngân hàng bán buôn sang ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường, tỷ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ đã tăng lên 54%.

Trụ cột thứ 3 là thu dịch vụ, mảng này đã tăng nhanh trong thời gian qua, hiện chiếm tỷ trọng 26% trong tổng thu nhập của ngân hàng.

Ngoài các trụ cột tăng trưởng trên, Vietcombank còn có nhiều nguồn thu tiềm năng khác. Thứ nhất, Vietcombank đang nắm giữ một tỷ lệ cổ phần tại MB và Eximbank, nếu thoái vốn tại hai nhà băng này (tỷ lệ vẫn sở hữu của VCB nằm tại hai ngân hàng này nằm trong giới hạn cho phép của NHNN), lợi nhuận của Vietcombank sẽ ghi nhận thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, khoản lợi nhuận thu về từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD cũng mang lại cho ngân hàng khoản lợi nhuận không nhỏ hàng năm. 

Bao nợ xấu gần 380%, Vietcombank có thực hiện đúng quy định?

Dù có quy mô tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận cao nhất hệ thống, song điểm cộng rất lớn của Vietcombank là nợ xấu thấp nhất nhì hệ thống và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống.

Cuối năm 2020, nợ xấu của Vietcombank là 0,65%. Tại thời điểm cuối quý 1/2021, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ lên 0,7% do ngân hàng không chủ trương sử dụng dự phòng trong 6 tháng đầu năm để tạo áp lực duy trì chất lượng tín dụng của các chi nhánh.

Về tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục (gần 380%) khiến có cổ đông từng đặt câu hỏi chất vấn về việc có đúng quy định hay không, ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định, ngân hàng hoàn toàn thực hiện đúng quy định.

Cụ thể, theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65%. Tuy nhiên, với các trường hợp này, Vietcombank chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% và trích lập gần như 100%.

Hay cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, ví dụ một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 (Chính phủ cho phép cơ cấu nợ do phía Cu Ba đề nghị) song Vietcombank vẫn đề nghị được trích lập dự phòng 100%. Tương tự, khoản vay của Vietnam Airlines, dù Chính phủ cho phép cơ cấu nợ, song Vietcombank vẫn trích lập dự phòng đầy đủ. Đây là lý do khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên tới 380%.

“Các quy định hiện hành chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không hạn chế mức trích lập tối đa nên chúng tôi nâng cao tỷ lệ trích lập để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, thực hiện đúng thông lệ quốc tế. Nếu những năm tới, các khoản nợ xấu thu hồi được thì trích lập dự phòng lại trở thành lợi nhuận của ngân hàng,  cơm không ăn thì gạo vẫn còn đó”, ông Nghiêm Xuân Thành lý giải.

T.L