Khi Fed lên tiếng

New York Times | Ngày cập nhật: Chủ Nhật, 15 Tháng Tám 2010 10:05:00

Tuyên bố của Fed hôm thứ Ba đã tránh nhắc đến các từ giảm phát hay suy thoái kép. Nhưng thị trường đã nghe thấy, bởi các nỗ lực đơn độc của Fed không giúp được đất nước thoát khỏi các mối đe dọa này.

Đó là một thông báo đã được truyền đi toàn thế giới. Hôm thứ Ba, ủy ban chính sách của Fed tuyên bố rằng nền kinh tế đang phát triển chậm lại và không được kỳ vọng sẽ có tiến triển gì trong thời gian ngắn. Cùng với các chứng cứ về sự tăng trưởng chậm của Trung Quốc và châu Âu, tin tức này đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu hôm thứ Tư. Cùng thời điểm đó, các dự báo về tăng trưởng trong quý II của nước Mỹ đã giảm xuống 2% so với 2,4% trước đây.

Các phản ứng của thị trường gửi đi một thông điệp còn rõ ràng hơn tuyên bố của Fed – nền kinh tế cần nhiều sự giúp đỡ hữu ích hơn những gì mà nó đang nhận được và nhiều hơn những gì mà nó có vẻ sẽ được nhận, xét đến bối cảnh chính trị hiện tại.

Không ai ngạc nhiên bởi những trở ngại cho tăng trưởng mà Fed đã nêu ra – tỷ lệ thất nghiệp cao, doanh thu tăng chậm, thu nhập từ bất động sản thấp và tín dụng thắt chặt. Cũng không ai ngạc nhiên khi Fed hứa hẹn tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp, xét đến nền kinh tế yếu ớt hiện tại. Là một vấn đề thực tế, điều đó có nghĩa là lãi suất ngắn hạn sẽ giữ ở mức gần bằng không trong tương lai gần. Và để giữ áp lực giảm lên lãi suất dài hạn, chẳng hạn như đối với các tài sản thế chấp, cơ quan này đã lên kế hoạch để tái sử dụng lãi suất từ các chứng khoản bảo đảm bằng thế chấp của họ, vốn được thu mua trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, để mua các trái phiếu chính phủ.

Không có biện pháp nào ở trên có thể mang lại nhiều động lực cho nền kinh tế, bởi Fed không đưa ra các gói kích thích mới. Hơn thế, họ chỉ đơn giản là hứa hẹn sẽ không thực hiện các biện pháp thắt chặt quá sớm. Họ cũng hứa rằng sẽ làm nhiều hơn nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống, một sự ám chỉ đến khả năng của họ - và, có thể, là mong muốn của họ - để in thêm tiền để bơm vào nền kinh tế để tiếp tục phá giá đồng dollar.

Vậy tại sao thị trường vẫn ảm đạm đến thế? Đơn giản, ngày càng dễ dàng để có thể thấy rằng Fed chưa làm hết sức của mình, và nền kinh tế vẫn đang gặp phải những vấn đề trầm trọng. Rắc rối chủ yếu của nền kinh tế không phải là sự thiếu hụt tiền đề thuê nhân công hay cho vay hay lãi suất ở mức quá cao. Việc thuê mướn nhân công và cho vay đang diễn ra rất hạn chế, bất chấp tiền đang nằm ở trong tay các tập đoàn lớn hay các ngân hàng lớn, và lãi suất thì đã ở mức rất thấp.

Cho tới khi nào nền kinh tế còn yếu và đang yếu đi, nhà tuyển dụng sẽ rất miễn cưỡng thuê thêm nhân công và các ngân hàng sẽ rất miễn cưỡng cho các doanh nghiệp nhỏ vay tiền. Cho tới khi nào việc thuê lao động và cho vay còn hạn chế, người tiêu dùng sẽ còn miễn cưỡng chi tiêu, và nền kinh tế sẽ còn yếu.

Một cách để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này là áp dụng các chính sách tài khóa để kích thích nền kinh tế, nhưng quốc hội lại phản đối. Những sự trì hoãn và cắt giảm hiện tại chứng minh rằng không thể trông cậy được gì vào các nhà làm luật, khi cần đến sự kiên định trong việc đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp, chẳng hạn như trợ cấp thất nghiệp, hay là những sự ủng hộ mạnh mẽ cho các vấn đề trước mắt, như khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách. Họ vẫn chưa đưa ra các gói kích thích mới để khuyến khích việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, nói gì đến việc ủng hộ hay thậm chí là bàn luận một cách nghiêm túc về việc tạo thêm việc làm, chẳng hạn như liên bang hỗ trợ các tổ chức để cung cấp tài chính cho việc sửa chữa và xây dựng lại cơ sở hạ tầng quốc gia.

Nguyên Bùi