Cổ phiếu PVO tăng mạnh từ 4.000 đồng/cp lên 9.600 đồng/cp trong vòng 1 tháng trước khi điều chỉnh về vùng 8.000 đồng/cp.
Cổ phiếu Công ty Dầu nhờn PV Oil (PV Oil Lube, UPCoM: PVO) bất ngờ có chuỗi tăng giá mạnh từ 4.000 đồng/cp lên 9.600 đồng/cp, gấp 2,4 lần trong vòng 1 tháng. Thanh khoản cổ phiếu cũng có sự cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, ghi nhận khoảng 200.000 – 300.000 đơn vị mỗi phiên trong khi trước đó chỉ vài chục nghìn đơn vị. 3 phiên gần đây, cổ phiếu này điều chỉnh giảm từ 9.600 đồng/cp về 8.000 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu PVO. Nguồn: VNDirect |
Dầu nhờn PV Oil là công ty con của PV Oil (UPCoM: OIL) với tỷ lệ sở hữu 62,66% vốn. Theo phương án tái cơ cấu PV Oil giai đoạn 2016-2020 thì PV Oil Lube thuộc nhóm phải giảm tỷ lệ sở hữu xuống đến 51% vốn điều lệ.
PV Oil Lube chuyên sản xuất sản phẩm dầu mỡ nhờn với nhà máy sản xuất đặt tại Bình Chiểu (TP HCM) công suất 20.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các khách hàng công nghiệp và các nhà thầu dầu khí. Đơn vị cũng mở rộng đối tượng khách hàng lẻ thông qua mạng lưới phân phối xăng dầu của công ty mẹ và hệ thống đại lý bán lẻ bên ngoài với phân khúc sản phẩm có chất lượng và giá cả trung bình (cho các loại động cơ, máy móc thiết bị thông dụng). Mảng kinh doanh thành phẩm và hàng hóa dầu mỡ nhờn đóng góp từ 50-65% doanh thu.
Ngoài sản xuất và kinh doanh dầu nhờn thì PV Oil Lube cũng kinh doanh mặt hàng xăng dầu, hoạt động này đóng góp tỷ trọng lớn thứ 2 trên tổng doanh thu với khoảng 35-45%.
Hoạt động kinh doanh gặp cạnh tranh gay gắt
Hoạt động kinh doanh của PV Oil Lube các năm gần đây tương đối khó khăn, doanh thu gần như đi ngang quanh mức 240 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 17,5 tỷ đồng về mức vài trăm triệu đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
Năm 2020, doanh thu đơn vị tiếp tục giảm 9% từ 236 tỷ đồng xuống 214 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động khác giảm lỗ từ 1,4 tỷ xuống 251 triệu đồng đã giúp lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 1,4 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2019. Chi phí khác đột biến năm 2019 đến từ khoản tiền phạt vi phạm hành chính về thuế từ những năm 2015-2016, chi phí quảng cáo, thù lao HĐQT và những tồn đọng do thời kỳ trước để lại.
Nguyên nhân được doanh nghiệp lý giải là so với các đối thủ cạnh tranh, quy mô sản xuất của đơn vị còn nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường dẫn đến sức cạnh tranh thấp.
Theo thống kê của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ngành dầu nhờn nội địa có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 4-6%, đạt mức tiêu thụ 90.000 tấn dầu nhớt mỗi năm. Do vậy, thị trường Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia lẫn thương hiệu nổi tiếng đầu tư vào các đại lý dầu nhớt Việt Nam. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Castrol, Chevron, Shell hay Mobil… được bày bán phổ biến trong các cửa hàng hiện nay.
Bên cạnh đó, PV Oil Lube đánh giá rào cản để trở thành một đại lý hay đối tác phân phối dầu nhờn ngày càng giảm xuống mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng nhớt nước ngoài dễ dàng mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Do vậy, trong các năm gần đây, doanh thu thành phẩm dầu nhờn của doanh nghiệp giảm dần, được bù đắp bởi doanh thu hàng hóa dầu nhờn và kinh doanh xăng dầu.
Đơn vị: tỷ đồng |
Mảng kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp năm 2020 giảm đến 35% nhưng đang cho tín hiệu khởi sắc đầu năm 2021. Bộ Công Thương từ đầu năm đã 2 lần điều chỉnh tăng mạnh giá xăng, dầu các loại lên vùng 19.000 đồng/lít và 13.000 đồng/lít; tăng 10-12% so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có được lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm sáng trong “sức khỏe” tài chính của PV Oil Lube là không vay nợ, tài sản được tài trợ bởi 87% vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm, doanh nghiệp có 1,7 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 9 tỷ quỹ đầu tư phát triển và 1,9 tỷ thặng dư vốn cổ phần.
Tổng tài sản doanh nghiệp giảm 9% xuống 117 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền ghi nhận 26 tỷ đồng, tăng 24% so với thời điểm đầu năm 2020; khoản phải thu giảm mạnh từ 29 tỷ xuống 14 tỷ đồng; hàng tồn kho và tài sản dài hạn không thay đổi nhiều.
Ngọc Điểm