PV Power đăng ký bán khớp lệnh gần 20 triệu cổ phiếu PV Machino từ 17/3 đến 15/4.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) đăng ký bán toàn bộ hơn 19,9 triệu cổ phiếu CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino, UPCoM: PVM) từ ngày 17/3 đến 15/4. Mục đích thực hiện giao dịch là thoái vốn theo kế hoạch tái cơ cấu tổng công ty, phương thức giao dịch là khớp lệnh.
Trước đó, PV Power đã công bố quyết định HĐQT thoái vốn PV Machino với giá khởi điểm 21.500 đồng/cp. Tuy nhiên, giá bán có kèm theo điều kiện không được thấp hơn giá bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán của PVM trước ngày phê duyệt phương án (22.800 đồng/cp) và không thấp hơn giá tham chiếu trước ngày phê duyệt phương án 1 ngày (21.700 đồng/cp).
Cổ phiếu PVM chốt phiên ngày 15/3 ở mức giá 30.200 đồng/cp, tăng 62% kể từ đầu tháng 2.
Bên cạnh PV Power thoái vốn thì Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (HNX: SHS) cũng đăng ký bán toàn bộ 3,8 triệu cổ phiếu PVM, tương ứng 9,9% vốn từ ngày 12/3 đến 11/4. Vào tháng 11/2020, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ đã bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu PVM, tỷ lệ 17,08%. Nhân tố mới tại PV Machino chưa lộ diện.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận đều đặn từ 28 tỷ năm 2017 lên 50 tỷ năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu năm 2020 bất ngờ giảm mạnh từ 1.660 tỷ xuống 628 tỷ đồng.
Với năm 2021, doanh nghiệp lên kế hoạch đạt 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 35%; lãi sau thuế gần 50 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện 2020.
PV Machino hoạt động trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật, cung cấp vật tư, thiết bị cho các nhà máy điện trong và ngoài ngành. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đầu tư vào loạt đơn vị khác hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất nước dứa, sản xuất phụ tùng ôtô, xây lắp, đóng mới sữa chữa tàu, bất động sản…
Trong đó, đáng chú ý là việc PV Machino sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% vốn tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam. Hoạt động của 3 liên doanh đều rất hiệu quả nhờ nhu cầu ổn định, hàng năm mang lại cho doanh nghiệp thu nhập cổ tức đều đặn trên 80 tỷ đồng.
PV Machino cũng quản lý và sử dụng nhiều bất động sản như 1.828 m2 đất tại số 8 Tràng Thi (Hoàng Kiếm, Hà Nội), lô đất 23.600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội). PVM còn liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hàm Cá Mập).
Công ty còn 10% vốn góp tại Dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp – Khu đô thị Nam An Khánh” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức.
Các chi nhánh và công ty thành viên của PV Machino ở TP HCM, Đà Nẵng cũng nắm giữ nhiều đất vàng. Chỉ riêng ở Đà Nẵng, các đơn vị như Công ty Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco) có 281,8 m2 ở 53 Trần Phú, gần 1.807 m2 ở 51 Phan Đăng Lưu, gần 3.242 m2 ở 495 Nguyễn Lương Bằng (đất thuê của nhà nước)…
Tuy nhiên, doanh nghiệp có kế hoạch tái cấu trúc và thoái vốn một số đơn vị cùng các khoản đầu tư tài chính như CTCP PEC Hà Nội, CTCP Máy – Thiết bị Việt Nam, CTCP Đóng mới và Sửa chữa Tàu dầu khí Nhơn Trạch Shipyard, CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí miền Bắc Việt Nam, CTCP Thực phẩm Nghệ An. Các đơn vị này chưa thực hiện thoái vốn trong năm 2020 được do hoạt động yếu kém, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường để thực hiện khi đủ điều kiện.
Trong giai đoạn 2021-2025, công ty dự định sẽ tiếp tục tiến hành tái cơ cấu tại Công ty TNHH MTV Máy – TBDK Sài Gòn và thoái vốn hoàn toàn khỏi CTCP Máy – TBDK Đà Nẵng.
Tường Như