Lợi nhuận ngân hàng năm 2021 được đánh giá rất khả quan, khi dịch bệnh được kiểm soát và tín dụng tăng. Đó là tiền đề quan trọng để cổ phiếu “vua” đi lên và dẫn dắt thị trường.
Chia cổ tức khủng
Năm nay, các ngân hàng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì chia cả bằng tiền mặt như trước. Khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể cả chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông. Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Năm 2020, OCB đã vượt chỉ tiêu đưa ra khi đạt 4.414 tỷ đồng lãi trước thuế. Vì thế, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, Ngân hàng dự kiến vốn điều lệ trong năm nay tăng khoảng 25%, chia cổ tức ở mức 25% bằng cổ phiếu.
Thông tin VIB công bố, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra ngày 24/3, Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng về tổng tài sản năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIB đạt 5.801 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% so với kế hoạch.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của ACB trong năm qua đạt gần 9.600 tỷ đồng. Đây là cơ sở để nhà băng này chia tổ chức ở mức không dưới 30% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng MSB cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. Vì thế, theo lãnh đạo cấp cao MSB, Ngân hàng sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra trong quý I/2021.
Triển vọng tốt cho cổ phiếu “vua”
Báo cáo “Vietnam-Asia’s New Success Story”, PYN Elite Fund đưa ra nhận định, triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam những năm tới rất tích cực.
PYN tin rằng, với các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, như tăng trưởng GDP ở mức cao, mức định giá của thị trường còn hấp dẫn so với các nước trong khu vực và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, VN-Index hoàn toàn có thể tăng lên mức 1.800 điểm vào năm 2022. Khi đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt đà tăng.
“Chúng tôi đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục lên gần 40% và tin rằng, các ngân hàng này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới”, PYN chia sẻ.
Trong khi đó, Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ở nhóm các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN bắt đầu giảm trong quý IV/2020. Cụ thể, tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ tại một số ngân hàng niêm yết đã giảm từ 2,6% (quý III/2020), xuống còn 2% (quý IV/2020). Theo BSC, lợi nhuận trước thuế năm nay của toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh, ở mức 28%, chủ yếu nhờ tín dụng tăng 14%. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.
SSI Research dự báo, lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng 21% so với năm ngoái. Các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 17,2%), do lợi nhuận trước thuế năm 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019). Theo SSI Research, các động lực chính làm tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm nay là thu nhập lãi thuần tăng mạnh hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM (chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và tín dụng) cải thiện nhẹ.
Ước tính, thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15%, trong khi tăng trưởng tín dụng là 12 - 13% so với năm trước.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đang có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng. Bên cạnh đó, áp lực dự phòng rủi ro gia tăng cũng sẽ tác động đến kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021, nên nhà đầu tư phải cẩn trọng trước khi rót vốn.
Vân Linh