Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt hơn 412 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019...
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán với nhiều con số biết nói. Tỷ lệ nợ xấu 1,7% thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đệm dự phòng / nợ xấu tăng nhất trong vòng 5 năm qua đạt mức 70%, lợi nhuận ghi nhận cao nhất trong thời gian qua và hoàn thành trước hạn cơ bản các tồn đọng trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố Báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, sớm hơn một tháng so với thường lệ và quy định. Sự đồng thuận giữa số liệu SHB và đơn vị kiểm toán cho thấy sự vận hành trơn tru và mức độ tự động hóa, minh bạch ngày càng cao của SHB.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt hơn 412 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019. Vốn tự có đạt 37.727 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt hơn 17.500 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2020 đạt 3.268 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cổ đông đề ra, tăng 8% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,4%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất trong thời gian qua của SHB.
Trong suốt 10 năm qua, SHB luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra. Có được kết quả này do SHB luôn chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh và đạt tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc khách hàng của SHB nhằm mang đến cho khách hàng sự toàn diện cả về lợi ích và giá trị vượt trội.
Cũng trong năm 2020, SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Với các giải pháp xử lý nợ quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu của SHB giảm xuống mức 1,7%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay, tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu NHNN giao.
Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng đảm bảo giúp SHB nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn.
Trong các năm tiếp theo, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.
Kết quả kinh doanh khả quan năm 2020 của SHB cũng đang tác động rõ rệt tới thị trường chứng khoán. Mới đây, hàng loạt công ty chứng khoán đã dự đoán SHB lọt rổ VNM ETF trong kỳ tái cơ cấu quý 1/2021. Theo đó, Các công ty chứng khoán như SSI, BVSC, Yuanta, VCSC… đều dự báo MVIS Vietnam Index - chỉ số tham chiếu của VNM ETF sẽ thêm cổ phiếu SHB trong kỳ tái cơ cấu tới do giá trị vốn hóa của SHB đã tăng mạnh trong thời gian qua và lọt vào nhóm 85% vốn hóa dẫn đầu. Đây là kỳ thứ 2 liên tiếp SHB thoả mãn điều kiện lựa chọn.
Kế hoạch năm 2021, SHB chủ trương sẽ tập trung nguồn lực mạnh mẽ vào những dự án công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như thúc đẩy hiệu quả phân khúc khách hàng mục tiêu. Cơ bản hoàn tất đề án sáp Habubank, nhiệm vụ trọng tâm của SHB tiếp sau đây chỉ còn là phát triển và tăng trưởng. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh thương hiệu; mang lại những lợi ích thiết thực cho cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng.
Rõ ràng, SHB đã chuẩn bị rất kỹ cho việc khép lại đề án sáp nhập Habubank, bằng một chiến lược phát triển vững vàng song song với củng cố nội lực, sẵn sàng bứt phá ngay khi thời cơ tới. Những gì SHB đã và đang làm được trong năm 2020 cũng như suốt giai đoạn vừa qua phần nào đã khẳng định năng lực, tầm nhìn dài hạn của ngân hàng. Và chắc chắn trong giai đoạn bứt phá dài hơi tới, SHB sẽ tạo ra nhiều "cú hích" đáng để thị trường chờ đợi.
Hương Giang