Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), năm 2020 vừa qua, Công ty tài chính Mcredit đạt dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận 320 tỷ đồng.
Với dư nợ cho vay lên tới 18,3%, Mcredit là Công ty tài chính tiêu dùng Mcredit là hiếm hoi tăng trưởng tín dụng tiêu dùng hai con số. Trước đó, nhiều công ty tài chính tiêu dùng cho biết, tín dụng tăng chậm do ảnh hưởng của Covid 19, người dân thắt chặt chi tiêu, vay nợ. Nhờ dư nợ cho vay tăng trưởng 2 con số, lợi nhuận của Mcredit đạt 320 tỷ đồng, tăng tới 77% so với năm 2019.
Dù có mức tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh, song hiện Mcredit cũng chỉ mới chiếm 3% tổng lợi nhuận của MB. So với công ty tài chính có thị phần lớn nhất thị trường là FE Credit (lợi nhuận 3.700 tỷ đồng năm 2020) thì lợi nhuận của Mcredit còn khá khiếm tốn, chỉ hơn 8% lợi nhuận của FE Credit. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay, các công ty tài chính thuộc nhóm dẫn đầu như Home Credit hoặc HDSaison sẽ phải dè chừng.
Nhìn vào cơ cấu cho vay của MB, không chỉ lĩnh vực tín dụng tiêu dùng mà các lĩnh vực cho vay rủi ro khác đều tăng khá mạnh. Cụ thể, năm 2020, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của MB tăng tới 75,6%; cho vay chứng khoán tại MBS là 4.123 tỷ đồng, tăng 53,3%; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên tới hơn 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái…
Chính vì cho vay các lĩnh vưc rủi ro tăng mạnh nên tổng số nợ xấu tuyệt đối tăng 12% lên 3.248 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 124% lên 1.384 tỷ đồng. Dù vậy, do mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức cao.
Riêng với Mcredit, lãnh đạo MB cho hay, năm 2020, định hướng của ngân hàng là sẽ đầu tư nâng cao năng lực công nghệ thông tin để biến Mcredit thành công ty tài chính tiêu dùng số dẫn đầu.
Thùy Liên