Dù dịch Covid-19 tiếp tục thử thách TTCK, nhưng vẫn có nhiều nhóm CP được kỳ vọng tạo nên kỳ tích trong năm 2021. Nhận định này phần nào được khẳng định với sự bứt phá của các nhóm ngành trong năm 2020.
Bất ngờ 2020
Năm 2020, dịch Covid-19 tác động mạnh lên lợi nhuận của khối ngành phi tài chính, là những doanh nghiệp (DN) không bao gồm ngân hàng (NH), bảo hiểm, CTCK, quỹ đầu tư. Khối phi tài chính ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I giảm gần 60% so với cùng kỳ 2019, doanh thu thuần giảm xấp xỉ 5%.
Tuy nhiên, khối phi tài chính đã ghi nhận sự phục hồi rõ rệt từ quý II, phần lớn là sự cải thiện ở nhóm ngành nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, viễn thông và công nghệ thông tin. Các nhóm ngành này đều đạt các mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong 2 quý cuối rất khả quan.
Trong khi đó, khối tài chính gồm các nhóm ngành tài chính và NH, ghi nhận những kết quả tích cực so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân đến từ việc nhóm ngành NH tăng trưởng tốt từ các hoạt động dịch vụ bên cạnh thu nhập từ đầu tư CK. Chẳng hạn như tăng trưởng dịch vụ bán chéo bảo hiểm, thanh toán, hay các hoạt động môi giới, bảo lãnh.
Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành chưa phục hồi bao gồm tiện ích cộng đồng, dịch vụ tiêu dùng, dầu khí và công nghiệp. Tuy nhiên, nhóm ngành dầu khí bất ngờ phục hồi khi lợi nhuận sau thuế kể từ quý III tăng ấn tượng nếu so với quý liền kề trước đó, bên cạnh giá dầu thế giới phục hồi theo kỳ vọng cải thiện nhu cầu và giảm sản lượng.
Tuy không đạt được mức tăng trưởng dương trong quý này so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của các DN nhóm ngành công nghiệp, dược phẩm và y tế, tiện ích cộng đồng đều cải thiện qua từng quý trong năm 2020.
2021: Hưởng lợi nhờ lãi suất giảm
Đợt bùng phát Covid-19 mới đây làm dấy lên lo ngại về kịch bản của TTCK trong năm 2021. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bối cảnh kinh doanh 2021 có nhiều thuận lợi hơn cho các DN niêm yết. Đơn cử, lãi suất thấp tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho DN.
Trong những tháng cuối năm 2020, làn sóng giảm lãi suất huy động của các NHTM đã lan tỏa khắp hệ thống. Nhiều NH đã mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng về dưới 6%/năm, trong khi các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở một số NH về quanh 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của NHNN.
Việc lãi suất giảm liên tục trong những tháng qua giúp tạo ra nguồn vốn rẻ, từ đó tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo dự báo của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong năm 2021 lãi suất cho vay và huy động có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp khi các DN cần thời gian phục hồi, ít nhất 1 hay 2 năm tới sau Covid-19. Ngoài ra, việc chưa có dấu hiệu đảo chiều lãi suất của các NH lớn trong tháng cuối năm 2020 cũng hỗ trợ luận điểm trên.
Các ngành hưởng lợi sẽ là nhóm ngành có cơ cấu vốn vay trên tổng tài sản cao, đặc biệt là DN bất động sản. Nhóm bất động sản thường là các DN sử dụng nợ vay cho các dự án lớn và hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng lãi suất giảm.
Ngoài ra, việc lãi suất cho vay bất động sản đang ở mức thấp nhất trong 10 năm càng kích thích nguồn cầu từ người mua nhà tiềm năng. Thêm vào đó, nguồn cung cũng được hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý khi các Luật Xây dựng bổ sung, Luật Đầu tư bổ sung, Nghị định 148 sẽ có hiệu lực trong năm 2021.
Dịch bệnh được kiểm soát
Trong năm 2021, bức tranh kinh tế được dự báo ổn định trở lại và sẽ kéo theo thu nhập người dân. Quá trình hổi phục đang diễn ra khá tích cực, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức 2,5% sau đỉnh điểm tháng 6 với tỷ lệ 2,73%.
Chỉ báo đáng tin cậy khác là tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có những hồi phục nhất định, được dự báo sẽ rõ ràng hơn trong 2021. Từ đó, kỳ vọng sức mua hàng có thể sẽ ổn định hơn trong thời gian sắp tới.
Khi sức mua hàng dần ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, ngành bán lẻ vốn chiếm tỷ trọng lớn (78%) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi đã có mức hồi phục vô cùng ấn tượng sau cao điểm dịch bệnh (đi theo hình chữ V).
Trong năm 2020, tăng trưởng bán lẻ từ mức tăng trưởng âm trong tháng 4 (giảm 13%) đã hồi phục mạnh mẽ sau đó với 8 tháng tăng trưởng liên tiếp. Tính đến cuối năm 2020, doanh thu bán lẻ đã tăng trưởng 2 chữ số (tăng 13%).
Một trong những ngành kỳ vọng có sự hồi phục cao trong bối cảnh dịch bệnh là ngành dược phẩm. Khi đại dịch bùng phát, người dân thận trọng khi đến nơi đông người, đặc biệt là bệnh viện, đã làm doanh thu ngành sụt giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thu nhập của một bộ phận người dân giảm khiến chi tiêu y tế chịu tác động tiêu cực trong năm 2020. Do đó, khi thu nhập bình quân đầu người tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ dần quay trở lại, kéo theo chi tiêu y tế tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn.
Xu hướng kinh tế mở
Xu hướng mở cửa nền kinh tế cùng với các hiệp định thương mại (FTA) sẽ tạo điều kiện cho các ngành về vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu như cảng biển và định hướng xuất khẩu như thủy sản. Các FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA sẽ là cánh tay nối dài cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, dệt may.
Bên cạnh đó, lợi thế nhân công giá rẻ và chi phí cạnh tranh, cũng là động lực chính giúp các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chọn Việt Nam cho các dịch vụ công nghệ thông tin.
Việt Nam được coi là điểm đến hàng đầu khi sở hữu nhiều lợi thế khi môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thị trường nội địa lớn, mức sống người dân ngày càng tăng. Bên cạnh đó là lợi thế tương đồng với Trung Quốc về văn hóa, chính trị, vị trí địa lý.
Đây là những điểm giúp tiết giảm tối đa chi phí dịch chuyển sản xuất, duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở sản xuất hiện có tại Trung Quốc. Từ đó, giá trị xuất nhập khẩu trong các năm sau được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực.
Tình hình này phần nào cho thấy đại dịch đã đẩy nhanh hoạt động dịch chuyển cơ sở sản xuất của các DN đa quốc gia sang Việt Nam, tạo cơ hội đầu tư trong ngành cảng biển.
Kim Giang