Tỷ lệ nợ xấu tại cuối quý IV/2020 xuống mức 1,98%.
Cuối quý IV/2020, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục, xuống mức 1,98%. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp kể từ quý III/2019 chứng kiến tỷ lệ nợ xấu của VPBank giảm.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu liên tục giảm trong bối cảnh dư nợ cho vay của VPBank vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Dư nợ cấp tín dụng tại ngân hàng riêng lẻ trong năm 2020 gần 257 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 21,8% so với năm 2019, tổng thu nhập hoạt động cũng tăng trưởng 18,6%, đạt 20,7 nghìn tỷ đồng.
Là ngân hàng có tỷ trọng cho vay tập trung khá lớn ở hai phân khúc khách hàng cá nhân và SME, đồng nghĩa với việc tỷ lệ rủi ro có phần cao hơn các phân khúc khác, việc VPBank liên tục giảm tỷ lệ nợ xấu cho thấy mức độ tập trung của ngân hàng trong hoạt động quản trị rủi ro cũng như kiểm soát chất lượng tài sản.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngân hàng đã từng bước xây dựng bộ khung quản trị rủi ro và bộ khung này cơ bản đã hoàn thiện kể từ năm 2019. VPBank là một trong các ngân hàng đầu tiên tuân thủ cả 3 trụ cột của Basel II ngay từ đầu năm 2020, sớm 1 năm so với quy định của NHNN.
Tỷ lệ nợ xấu của VPBank giảm 5 quý liên tiếp. Ảnh: VPBank |
Hệ thống quản trị rủi ro của VPBank bao gồm 3 nội dung chính là quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro thanh khoản và quản trị rủi ro hoạt động. Bằng việc ứng dụng công nghệ AI và phân tích dữ liệu lớn, VPBank kiểm soát các hoạt động cho vay, chấm điểm tín dụng khách hàng, xử lý và thu hồi nợ nhanh chóng và chính xác hơn. Ngân hàng cũng chủ động định kỳ thực hiện các bài kiểm tra sức chịu đựng về vốn và thanh khoản…
Một hệ thống quản trị rủi ro được chuẩn bị kỹ lưỡng giúp VPBank nhanh chóng thích ứng với bối cảnh xã hội mới khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến. Theo ông Dmytro Kolechko, Giám đốc quản trị rủi ro của VPBank, các trụ cột quản trị rủi ro của VPBank trong năm 2020 gồm đảm bảo vốn tự có, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt chuẩn Basel II đều được duy trì ổn định bất chấp những tác động từ dịch bệnh.
Để đảm bảo ngân hàng vẫn hoạt động tốt kể cả khi giãn cách xã hội diễn ra, VPBank tạo ra một bộ đệm thanh khoản vô cùng mạnh mẽ, duy trì ở mức 9,79% tổng nợ phải trả.
“Hệ thống của VPBank đưa ra giả định kể cả trong điều kiện căng thẳng nhất là ngân hàng không thể thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào thì VPBank vẫn có thể duy trì hoạt động trong ít nhất là 1 tháng. Điều đó cho thấy trạng thái thanh khoản dồi dào của ngân hàng”, ông Dmytro cho biết.
Việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu được xây dựng chặt chẽ ngay từ đầu, khi dịch bệnh cũng làm thay đổi định hướng cho vay của VPBank. Việc kiểm soát nợ xấu diễn ra ngay từ khâu đầu vào, với các tiêu chí cho vay thận trọng hơn. Thay vì phát triển theo chiều rộng như thời điểm trước dịch bệnh, ngân hàng chuyển sang tập trung cho vay theo chiều sâu, nghĩa là giảm bớt tìm kiếm khách hàng mới mà tập trung cho vay nhóm khách hàng cũ.
Kết quả, hạn mức tín dụng vẫn được sử dụng tối đa, quy mô giải ngân nhóm khách hàng cá nhân và SME chỉ tính riêng trong quý IV vẫn tăng trưởng lần lượt là 34% và 23,3% so với quý III. Mức tăng trưởng này khi tình hình bệnh dịch đã ổn định, nhu cầu tín dụng của các lĩnh vực này đã quay trở lại trong khi tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiềm chế giảm dần.
Trong năm 2020, VPBank đã tái cơ cấu khoảng 28.000 tỷ đồng, chiếm 8,2% tổng dư nợ hợp nhất, theo Thông tư 01. Mỗi khoản nợ sẽ có điều kiện cũng như thời gian giãn nợ khác nhau, mặc dù vậy, hoạt động tái cơ cấu nợ diễn ra với 1 điều kiện tiên quyết: Đó là không thực hiện tái cơ cấu nợ đối với những khách hàng không có khả năng trả nợ. Điều này đảm bảo các khoản nợ của VPBank được ghi nhận đúng bản chất, sát diễn biến và ngân hàng có thể nắm bắt chính xác tình hình nợ xấu của hệ thống.
“Cho đến nay, 96% các khoản vay được tái cơ cấu nợ này vẫn đang trả lãi bình thường và vẫn đang được theo dõi chặt chẽ. Chúng tôi kỳ vọng tất cả những khách hàng được cơ cấu nợ sẽ có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng thời gian đặt ra”, ông Dmytro chia sẻ.
Sự hậu thuẫn từ một hệ thống quản trị rủi ro mạnh mẽ thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng riêng lẻ tăng trưởng vượt trội 60% trong năm 2020, với thanh khoản được duy trì ở mức an toàn và tối ưu, đáp ứng tốt các yêu cầu của NHNN. Kết quả kinh doanh ấn tượng đó tạo tiền đề cho ban lãnh đạo công ty tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng trong năm 2021, với kế hoạch tăng trưởng từ 20 -25%.
Thu Hằng