SIP có gần 9.500 tỷ đồng doanh thu cho thuê KCN chưa thực hiện, vượt qua GVR và IDC

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 17 Tháng Hai 2021 15:40:00

Tại thời điểm cuối năm 2020, Sài Gòn VRG có gần 9.500 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, tăng 79% so với đầu năm và tăng 60% so với cuối quý III.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2020, tại thời điểm cuối năm, Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) ghi nhận khoản doanh thu chưa thực hiện lên đến 9.493 tỷ đồng, tăng thêm 4.170 tỷ đồng so với đầu năm và tăng thêm 3.550 tỷ đồng so với cuối quý III, tương ứng mức tăng lần lượt 79% và 60%. 

Trong đó, doanh thu nhận trước tiền thuê đất, nhà xưởng ngắn hạn tăng từ 144 tỷ lên 158 tỷ đồng; doanh thu nhận trước tiền thuê đất, nhà xưởng dài hạn đột biến từ 5.176 tỷ đồng lên 9.332 tỷ đồng. Với kết quả này, Đầu tư Sài Gòn VRG đã vượt qua những đơn vị có nguồn doanh thu để giành lớn này như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) với 9.015 tỷ đồng và Idico (HNX: IDC) với 6.300 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp có doanh thu cho thuê khu công nghiệp chưa thực hiện lớn nhất sàn chứng khoán.

sip-1-9794-1613548412.png

Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2020 của SIP

Đầu tư Sài Gòn VRG chuyên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, khu dân cư và cung cấp dịch vụ tiện ích như điện, nước, xử lý nước thải. Ở mảng khu công nghiệp, đơn vị phát triển 4 dự án tại miền Nam gồm Khu liên hợp Phước Đông (3.285 ha, Tây Ninh), khu công nghiệp Đông Nam (342 ha, TP HCM và Bình Dương), khu công nghiệp Lê Minh Xuân (330 ha, TP HCM) và khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (500 ha, Đồng Nai).

Theo báo cáo thường niên 2019, dự án khu công nghiệp Đông Nam bắt đầu cho khách thuê từ 2010, tỷ lệ lấp đầy 90% diện tích thương mại. Khu công nghiệp Phước Đông chia làm 2 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 1 khai thác từ 2010 và đạt tỷ lệ lấp đầy 92%; giai đoạn 2 đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 mang lại doanh thu từ 2019 và đạt tỷ lệ lấp đầy trên 40% diện tích kinh doanh. Riêng khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn đầu tư qua công ty con Công ty Long Thành VRG, được xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trong năm 2020.

sip-2-7828-1613549116.png

Đơn vị: tỷ đồng

Lợi nhuận lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ đồng

Năm 2020, Sài Gòn VRG ghi nhận 5.080 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với năm trước; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.033 tỷ đồng, tăng 68% và lần đầu cán mốc hơn nghìn tỷ đồng.

sip3-7087-1613549116.png

Đơn vị: tỷ đồng

Trong cơ cấu doanh thu của SIP, doanh thu bán điện, nước vẫn lớn nhất với 3.927 tỷ đồng, tăng 22% và chiếm tỷ trọng 78%. Doanh thu cung cấp dịch vụ tiện ích khu công nghiệp tăng từ 292 tỷ lên 358 tỷ đồng, doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng hơn gấp đôi lên 278 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ khác tăng từ 77 tỷ lên 255 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu bán thành phẩm giảm hơn phân nửa từ 541 tỷ về 252 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính hơn gấp đôi từ 300 tỷ lên 638 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng cao. Doanh thu chủ yếu do lãi tiền gửi và lãi cho vay tăng từ 286 tỷ đồng lên 505 tỷ đồng, lãi bán các khoản đầu tư phát sinh 103 tỷ đồng mà cùng kỳ năm trước không có.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh từ 90 tỷ về 11,2 tỷ đồng nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng 66 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm, tiền gửi có kỳ hạn giảm từ 4.520 tỷ đồng xuống 2.926 tỷ đồng nhưng tăng cho vay ngắn hạn ngắn hạn từ 540 tỷ lên 2.015 tỷ đồng. Riêng cho Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc vay là 1.755 tỷ đồng, đột biến so với con số 167 tỷ đồng thời điểm đầu năm.

Danh mục chứng khoán kinh doanh của Sài Gòn VRG giảm từ 570 tỷ đồng về 390 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đã bán bớt cổ phiếu Tập đoàn Cao Su Việt Nam, giá gốc tính đến cuối năm là 78 tỷ đồng, giảm 73% so với đầu năm. Trong khi đó, SIP tăng đầu tư cổ phiếu Công ty Cao su Tây Ninh (HoSE:TRC) từ 94 tỷ lên 169 tỷ đồng, giá trị hợp lý 202 tỷ đồng.

sip-4-9131-1613549116.png

Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2020 của SIP

Ngọc Điểm