Nhiều tiền như “vua sữa”

Nhịp cầu Đầu tư | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 02 Tháng Hai 2021 11:09:00

Trong bối cảnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp khát vốn, phải phát hành trái phiếu huy động vốn hoạt động kinh doanh, thì một số doanh nghiệp lại dư một khoản tiền lớn.

Xét trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm sữa, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) là cái tên đầu tiên được nghĩ đến với tổng tài sản hàng chục nghìn tỉ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Vinamilk ở mức hơn 48.432 tỉ đồng, tăng 8,3% so với hồi đầu năm 2020.

Trong đó, tổng tiền (bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) của Vinamilk đạt hơn 19.625 tỉ đồng, tăng hơn 28,3% so với hồi đầu năm 2020.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành tạo điều kiện cho nền kinh tế có điều kiện phục hồi nhanh trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm sâu, lượng tiền gửi ngân hàng của Vinamilk vẫn tăng mạnh trong năm 2020.

Tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của Vinamilk tăng mạnh trong năm 2020. Ảnh: VNM.

Ở khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, Vinamilk đã đem hơn 17.313 tỉ đồng gửi ngắn hạn tại các ngân hàng, con số này tăng hơn 39,2% so với hồi đầu năm 2020.

Những năm trước (2016 và 2017), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Vinamilk còn bao gồm các khoản đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp cả ngắn hạn và dài hạn. Vinamilk cho biết đây là khoản đầu tư vào trái phiếu do Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM phát hành với thời gian đáo hạn gốc là 36 tháng kể từ ngày mua. Các trái phiếu không được đảm bảo và hưởng lãi suất năm từ 8,075%-8,175% (năm 2017).

Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, Vinamilk không còn đầu tư trái phiếu, mà thay vào đó là các khoản tiền gửi ngắn hạn và dài hạn. Trong đó khoản tiền gửi ngắn hạn vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất.

Có thể nói chỉ tiêu về tài sản ngắn hạn là một trong những chỉ tiêu quan trọng để giới tài chính đánh giá về một doanh nghiệp nào đó. Ví dụ mối tương quan giữa nợ ngắn hạn và nguồn vốn ngắn hạn giúp nhà đầu tư nhìn nhận về quá trình luân chuyển vốn của doanh nghiệp, đánh giá khả năng thanh toán và tính thanh khoản của doanh nghiệp.

Vinamilk đang trích lập khoản dự phòng khá lớn cho khoản đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu. Ảnh: VNM.

Nói về các khoản đầu tư khác, Vinamilk đang sở hữu danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh với giá trị ghi sổ hơn 1,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm 31.12.2020, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chỉ còn hơn 187,6 triệu đồng và Công ty đang phải trích lập dự phòng hơn 936 triệu đồng.

Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2020 Vinamilk thu về hơn 59.636 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 5,9% so với năm 2019. Lãi sau thuế của Vinamilk ở mức hơn 11.235 tỉ đồng, tăng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kim Anh