Hoàng Anh Gia Lai lỗ lũy kế gần 5.100 tỉ đồng

TBKTSG | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 01 Tháng Hai 2021 14:28:00

Khoản lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm hơn 1.200 tỉ đồng đã khiến khoản lỗ lũy kế của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tăng lên 5.086 tỉ đồng tính đến 31-12-2020.

Doanh thu không đủ bù giá vốn

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã công bố báo cáo tài chính quý 4-2020 với doanh thu thuần đạt 913,7 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2019.

Theo đó, nguồn thu chính của Hoàng Anh Gia Lai từ bán trái cây với doanh thu 538 tỉ đồng - tăng 66% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ diện tích thu hoạch tăng.

Doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản doanh thu 121 tỉ đồng từ bán heo trong quí 4-2020, sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này sau khi hoán đổi nợ phải thu khó đòi tại doanh nghiệp này thành cổ phần.

Doanh thu cung cấp dịch vụ khác của Hoàng Anh Gia Lai tăng 93% so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức 116 tỉ đồng.
Còn doanh thu bán mủ cao su và sản phẩm, hàng hoá khác lần lượt giảm 31% và 39% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn lần lượt 105 tỉ đồng và 34 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, giá bán vốn hàng bán vẫn ở mức cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp qúi 4-2020 của Hoàng Anh Gia Lai âm 168,4 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là giá vốn của sản phẩm trái cây và mủ cao su lần lượt cao hơn 1,36 lần và 1,12 lần so với doanh thu, trong khi biên lợi nhuận ở các mảng còn lại ở mức rất thấp.

Doanh thu tài chính trong qúi 4-2020 của Hoàng Anh Gia Lai tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức 784 tỉ đồng nhờ ghi nhận lãi khi thanh lý các khoản đầu tư.

Còn chi phí tài chính giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 503,5 tỉ đồng do doanh nghiệp không phát sinh khoản lỗ từ việc chuyển nhượng vốn góp như cùng kỳ 2019.

Chi phí bán hàng của Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 64,6 tỉ đồng.

Nhưng việc ban điều hành doanh nghiệp quyết định điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 bằng cách trích lập dự phòng các khoản phải thu tồn đọng - nhằm giúp báo cáo tài chính năm 2020 không phải tiếp tục nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán về khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn như hai năm trước – khiến chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác lần lượt tăng 234,4% và 39,8%, đạt mức 919,8 tỉ đồng và 679,1 tỉ đồng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lỗ khác lên tới 652,6 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế quí 4-2020 của Hoàng Anh Gia Lai lần lượt âm 1.520,5 tỉ đồng 1.525,6 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 1.174 tỉ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai lần lượt là 3.085 tỉ đồng và âm 2.175 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm hơn 1.200 tỉ đồng.

Như vậy, lỗ lũy kế của Hoàng Anh Gia Lai lên tới 5.086 tỉ đồng tính đến 31-12-2020. Còn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ còn 9.675 tỉ đồng, giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2019.

Những chỉ báo đáng lo ngại

Tổng tài sản của doanh nghiệp là 36.300,9 tỉ đồng tính tới 31-12-2020, tăng 8,11% so với thời điểm cuối năm 2019 do các khoản phải thu ngắn hạn tăng tới 213%.

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai phát sinh khoản phải thu từ thanh lý tài sản cổ định và khoản đầu tư với giá trị 2.615,4 tỉ đồng. Ngoài ra, khoản cho vay tín chấp dành cho các bên liên quan và các công ty với thời hạn hoàn trả từ tháng 1-2021 tới tháng 3-2023 và từ tháng 1-2021 tới tháng 12-2022 cũng gia tăng đáng kể trong năm tài chính vừa qua.

Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai cho Công ty cổ phần Lê Me vay 3.644,4 tỉ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần Gỗ Hoàng Anh Gia Lai và chi nhánh nhà máy nhựa của doanh nghiệp nghiệp này vay Hoàng Anh Gia Lai số tiền lần lượt là 86,9 tỉ đồng và 3 tỉ đồng. Đáng chú ý, Công ty Lê Me và Công ty Gỗ Hoàng Anh Gia Lai đều phát sinh khoản lãi vay với giá trị lần lượt là 112,3 tỉ đồng và 22,8 tỉ đồng.

Còn các cá nhân thuộc bên liên quan, gồm ông Nguyễn Ngọc Mai, ông Lê Văn Thạch, bà Hồ Thị Kim Chi – Phó tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai – được doanh nghiệp này cho vay số tiền lần lượt là 30 tỉ đồng, 15 tỉ đồng, 1,81 tỉ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai có xu hướng gia tăng trong bối cảnh vốn chủ sở hữu sụt giảm do liên tục kinh doanh thua lỗ. Theo đó, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 26.625,8 tỉ đồng tính tới 31-12-2020, tăng 22% so với thời điểm cuối năm 2019.

Nguyên nhân chính do doanh nghiệp tăng vay ngắn hạn với số tiền 8.456,4 tỉ đồng, tăng 125% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó có nhiều khoản vay phát sinh trong năm tài chính 2020 như khoản vay 600,9 tỉ đồng với Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM, khoản vay 5.122,7 tỉ đồng với Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải.

Ngoài ra, giá trị của hai khoản vay dài hạn ngân hàng và vay qua trái phiếu trong đến hạn trả cũng ở mức 1.751,2 tỉ đồng.
Do tăng vay nên tổng chi phí lãi vay của Hoàng Anh Gia Lai đã lên tới 3.748,1 tỉ đồng, gồm: 3.573,4 tỉ đồng lãi vay ngân hàng, trái phiếu; 174,7 tỉ đồng lãi vay tổ chức khác - tăng gần 20% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, chi phí lãi vay ngân hàng, trái phiếu của doanh nghiệp là hơn 1.200 tỉ đồng trong năm 2020.

Điểm đáng lo ngại là tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp giảm sút đáng kể so với thời điểm cuối năm 2019.

Theo đó, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai âm 723,3 tỉ đồng do chịu gánh nặng từ chi phí lãi vay. Lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng âm 2.454,3 tỉ đồng do phải tăng chi để mua sắm và xây dựng tài sản cố định, trong khi số thu hồi từ đầu tư góp vốn vào đơn vị khác sụt giảm đáng kể.

Nhờ tăng cường thu từ đi vay và giảm số tiền trả nợ gốc vay nên lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính của Hoàng Anh Gia Lai đã dương 3.020,5 tỉ đồng, giúp lưu chuyển tiền thuần trong năm chỉ âm 157,1 tỉ đồng.

Kết quả, giá trị tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp chỉ còn 97,2 tỉ đồng tính tới 31-12-2020.

Điều này có thể khiến Hoàng Anh Gia Lai gặp khó khăn khi thanh toán các khoản nợ tới hạn, thậm chí phải tăng cường vay nợ để để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay. 

Ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị, các khoản dự phòng được trích lập trong báo cáo năm 2020 có thể được hoàn nhập dần dần. Lúc đó, tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể lành mạnh hơn.

Vân Phong