Nafoods lên kế hoạch lãi tăng 37% năm 2021, chuẩn bị cho sự chuyển đổi từ 2022

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 28 Tháng Giêng 2021 08:04:00

Doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng trái cây hơn trong năm 2020 nhờ dịch Covid-19.

Lãi năm 2020 tăng 32% nhưng chưa hoàn thành kế hoạch năm

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2020, Nafoods Group (HoSE: NAF) ghi nhận doanh thu thuần 1.206 tỷ đồng, tăng 20%; lãi sau thuế 63 tỷ đồng, tăng 31,5%. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm, đơn vị mới thực hiện 89% chỉ tiêu doanh thu và 95% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

hinh-naf-9275-1611789018.jpg

Lãnh đạo Nafoods chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: M.H

Tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 27/1, bà Diệp Thị Mỹ Hảo, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Nafoods chia sẻ dịch Covid-19 vô tình giúp đơn vị thu hút được nhiều đơn hàng và khối lượng lớn hơn trong mảng trái cây. Nguyên nhân là dịch bệnh bùng phát các khách hàng lớn không bay đến Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới mà đặt hàng ở các nhà cung cấp uy tín, lớn và ổn định. Qua đó, Nafoods nhận được thêm những đơn hàng đáng ra thuộc về nhà cung cấp nhỏ. Tuy nhiên, một điều làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận là khách hàng không sẵn sàng trả giá cao hơn và giá cước biển logistics tăng cao thời gian qua. Đồng thời, mảng cây giống gặp khó khăn vì dịch Covid-19, để thận trọng, doanh nghiệp trích lập dự phòng 7 tỷ đồng làm giảm lợi nhuận. Nếu không trích lập thì Nafoods sẽ vượt 6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Năm 2021, lãnh đạo Nafoods cho rằng nguyên liệu không còn dồi dào như năm 2020 nên giá không giảm và gây ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp, năm 2020 biên lợi nhuận gộp ở mức 21,5% thì năm 2021 bị giảm 0,5-1%. Song bù lại chi phí lãi vay của Nafoods sẽ giảm. Hai khoản chi phí này đều lớn và có thể bù trừ cho nhau. Do vậy, năm 2021 được dự đoán sẽ là năm tăng trưởng ổn định cho các mảng truyền thống của Nafoods (chanh leo, thanh long, dứa). Trong khi các mảng như xoài, dừa, hạt dinh dưỡng mới phát triển từ 2019 và 2020 sẽ là mảng đem lại giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dự kiến đặt mục tiêu năm nay doanh thu hơn 2.025 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 86 tỷ đồng; lần lượt tăng 68% và 36,5%. Trong đó, mảng truyền thống kỳ vọng đạt tối thiểu 800 tỷ và có thể lên mức 1.000 tỷ đồng, mảng trái cây sấy khoảng 500 tỷ, mảng hạt dinh dưỡng và dừa năm trước đóng góp 10% doanh số thì năm nay tiếp tục mở rộng.

Nếu tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi, bà Diệp cho biết ban lãnh đạo sẽ xem xét hạ chỉ tiêu doanh thu xuống 1.700 tỷ nhưng lợi nhuận vẫn duy trì 86 tỷ đồng.

Cải thiện biên lợi nhuận bằng M&A và tái cấu trúc vốn

Nafoods vốn được biết đến là doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo cô đặc vào châu Âu, trong giai đoạn 2019 và 2020 đơn vị phát triển thêm các mảng mới như trái cây sấy dứa, xoài, dừa và hạt dinh dưỡng để xuất khẩu vào thị trường Nga, Trung Quốc, Trung Đông, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo bà Hảo, Nafoods lực chọn mảng trái cây, rau củ quả để phát triển do nhận thấy con người có xu hướng chọn thực phẩm thuần thực vật do tính an toàn cho sức khỏe, đảm bảo lối sống lành mạnh. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khối lượng sản xuất lớn cho nhiều loại trái cây nhiệt đới, CPTPP và EVFTA có hiệu lực kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt.

Trong nông nghiệp, quá trình đầu tư cần 3 đến 5 năm hoàn thiện, do vậy, Nafoods kỳ vọng đến 2022 các mảng kinh doanh mới có thể đóng góp hiệu quả vào hoạt động kinh doanh.

Trong 2 năm gần đây, Nafoods đã đẩy mạnh đáng kể doanh thu lên mốc trên 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận không tăng tương xứng, vẫn ở mức vài chục tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp khoảng 21-22% và biên lợi nhuận sau thuế quanh 5%.

naf-bd-9858-1611789018.png

Đơn vị: tỷ đồng

Bên cạnh những mảng mới đầu tư năm 2019 và 2020 bắt đầu cho hiệu quả từ 2022 trở thì doanh nghiệp sẽ tái cấu trúc lại nguồn vốn và M&A để cải thiện biên lợi nhuận.

Ông Phạm Duy Thái, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Nông nghiệp cho biết doanh nghiệp có các đơn vị liên kết chưa đủ điều kiện hợp nhất vào kết quả kinh doanh như Nafoods Tây Bắc, KingFoods, Thực phẩm Nghệ An… Vào năm 2022, Nafoods Group dự định M&A các đơn vị này để được hợp nhất vào kết quả kinh doanh.

Theo lộ trình, vào tháng 6/2021, doanh nghiệp sẽ hoàn thất thương vụ M&A đầu tiên và đến tháng 6/2022 hoàn thiện 3 phương án M&A tiếp theo. Việc mua bán sáp nhập tập trung vào các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà đóng gói chanh leo và 4 loại quả chủ lực khác, thực hiện hoán đổi cổ phiếu với Nafoods Group.

Đồng thời, biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi cấu trúc vốn có chi phí cao, cơ cấu chưa hợp lý. Ông Thái chia sẻ do đặc thù trong ngành nông nghiệp là sản xuất theo mùa vụ, phải hỗ trợ nông dân và đi theo chiến lược sản xuất chủ động. Vào mùa vụ sản lượng rất nhiều, rất rẻ và để có nguồn lực thu gom thì doanh nghiệp phải huy động nguồn tiền ngắn hạn từ nhiều kênh, thậm chí cả những kênh lãi suất cao. Chiến lược của đơn vị là tái cấu trúc lại nguồn vốn và đưa về dưới 6,5% bình quân mỗi năm.

Với những chiến lược trên thì mục tiêu của doanh nghiệp đến 2023 là biên lợi nhuận gộp nâng lên 25% và lợi nhuận sau thuế khoảng 10-15%.

Ngọc Điểm