Cổ phiếu TCM tăng từ vùng 23.000 đồng/cp lên 79.000 đồng/cp trong vòng gần 3 tháng qua.
Cổ phiếu Công ty Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) tăng từ vùng giá 23.000 đồng/cp lên 79.000 đồng/cp trong vòng gần 3 tháng qua, gấp 3,4 lần. Ngay cả phiên thị trường điều chỉnh 19/1, VN-Index giảm kỷ lục gần 75 điểm, cổ phiếu TCM vẫn tăng 2,65% lên 69.700 đồng/cp.
Nguồn: VNDirect |
Khó để lý giải cho đà tăng bất chấp thị trường của cổ phiếu TCM. Thông tin hỗ trợ có lẽ là kết quả kinh doanh khả quan năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến ngành dệt may lao đao.
Theo BCTC hợp nhất quý IV, doanh thu dệt may TCM giảm 12% xuống 752 tỷ đồng. Giá vốn giảm 14% giúp lãi gộp chỉ giảm 4% đạt 143 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng và chi phí quản lý được tiết giảm gần 30% đã giúp lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 75 tỷ đồng, tăng 20%.
Lũy kế cả năm, doanh thu đơn vị giảm 5% xuống 3.470 tỷ đồng, lãi ròng 275 tỷ đồng, tăng 28%. Doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu nhưng thực hiện vượt 46% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Đơn vị: tỷ đồng |
Doanh nghiệp cho biết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, châu Á, đơn hàng truyền thống (quần áo thời trang) bị giảm trong quý II và III, doanh nghiệp đã chuyển hướng may khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế xuất khẩu đi Mỹ. Sang đến quý IV, đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế không nhiều nhưng đơn hàng truyền thống phục hồi cùng giải pháp tiết giảm chi phí đã giúp lợi nhuận tăng trưởng.
Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch HĐQT TCM cho biết doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy may – đan – nhuộm để phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng cho các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường thời trang nội địa và bán hàng online. Lãnh đạo TCM chia sẻ, đơn vị đã cho ra đời thương hiệu thời trang mới INNOF với chất lượng cao hiện đang bán tại thị trường trong nước, phát triển thương hiệu thời trang ONLEE xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử Amazon và bước đầu ghi nhận doanh thu. Bên cạnh đó, đơn vị đã vừa cho ra đời trang thương mại điện tử với thương hiệu DE CLOSET chuyên về bán hàng thời trang.
Theo Chứng khoán Mirae Asset, hiệp định EVFTA và CPTPP cùng sự ngắt quãng nguồn cung từ Trung Quốc do dịch bệnh là động lực thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất vải, trong đó có TCM. Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vải nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nguyên nhân do chi phí đầu tư vào khâu dệt nhuộm cao trong khi ngành dệt may Việt Nam vẫn cấu thành chính từ những doanh nghiệp nhỏ lẻ với quy mô vốn thấp, hạn chế trong đầu tư và phát triển. Theo số liệu thống kê, vải trong nước chỉ đáp ứng 25% nhu cầu may và 75% vải nhập khẩu là để phục vụ đơn hàng may mặc xuất khẩu..
Bên cạnh đó, ở mảng may, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng và gia nhập chuỗi giá trị Adidas từ năm 2019. Mirae Asset ước tính đơn hàng Adidas lấp đầy công xuất 12 triệu sản phẩm/năm của nhà máy Vĩnh Long (gần 50% công suất may của TCM). Đơn hàng với khách hàng lớn này có giá trị tăng cao, hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận doanh nghiệp.
Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy Vĩnh Long II với công suất 12 triệu sản phẩm/năm trong năm 2021, sau khi hoàn thành sẽ nâng tông suất toàn bộ nhà máy máy công ty lên 36 triệu sản phẩm/năm.
Tường Như