Nhận định triển vọng ngành săm lốp Việt Nam

FPTS | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 30 Tháng Tám 2017 17:19:00

Theo công ty chứng khoán FPTS, trong trung và dài hạn, ngành săm lốp Việt Nam có triển vọng tích cực.

Ngành săm lốp Việt Nam

- Tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2015 – 2020, cao gấp 2 lần so với mức bình quân của thế giới, đồng thời cũng cao hơn mức bình quân 6% của nhóm thị trường đang phát triển.

- Săm lốp xe đạp chiếm tỉ trọng nhỏ và đã bước vào giai đoạn bão hoà với tiềm năng tăng trưởng gần như không còn.

- Sau 2 năm sụt giảm 2013 – 2014, doanh số bán xe máy ở Việt Nam đã tăng mạnh trở lại trong những năm gần đây, tạo động lực tăng trưởng cho phân khúc săm lốp xe máy. Theo ước tính của chúng tôi, nhu cầu săm lốp xe máy có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 6.5%/năm trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2020.

- Lốp ô tô các loại sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành săm lốp Việt Nam trong dài hạn. Nhu cầu tiêu thụ xe ô tô còn nhiều dư địa tăng trưởng, cùng với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của Chính phủ là tiền đề cho sự tăng trưởng của phân khúc săm lốp ô tô.

- Năng lực tự chủ nguồn nguyên vật liệu của ngành săm lốp trong nước còn thấp nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào biến động giá nguyên vật liệu, biến động tỉ giá và lãi suất.

- Cơ cấu sản xuất, phân khúc sản phẩm và thị trường mục tiêu có sự phân hoá tương đối rõ ràng giữa các doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp FDI phần lớn tập trung vào các sản phẩm lốp radial cho xe ô tô con để phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Nhóm doanh nghiệp nội địa có danh mục sản phẩm đa dạng và phần lớn doanh thu do thị trường trong nước đóng góp.

 - Mức độ cạnh tranh trong ngành săm lốp tương đối cao, đến từ săm lốp Trung Quốc và sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp FDI.

- Áp lực cạnh tranh từ săm lốp Trung Quốc trong những năm gần đây là rất cao, khiến các doanh nghiệp nội địa phải giảm giá bán, tăng chiết khấu, khuyến mại để giữ thị phần. Trong thời gian tới, áp lực cạnh tranh có thể được giảm bớt khi Mỹ đã gỡ bỏ thuế chống bán phá giá và thuế chống bảo hộ đối với săm lốp Trung Quốc.

- Việt Nam không nằm ngoài xu hướng radial hoá. Hiện tại, tỉ lệ sử dụng lốp radial cho ô tô ước tính đạt 50-60%. Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, nhu cầu cho các dòng lốp radial trong tương lai sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.

- Các doanh nghiệp săm lốp nội địa đang tập trung vào phân khúc lốp ô tô tải. Với năng lực cạnh tranh trong phân khúc lốp radial cho xe ô tô con còn thấp, các doanh nghiệp nội địa đang nhường phân khúc có dư địa tăng trưởng cao nhất này cho các doanh nghiệp FDI và sản phẩm nhập khẩu.

Nhận định, khuyến nghị đầu tư

- Khuyến nghị Trung lập trong ngắn hạn (dưới 1 năm): Lốp xe Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ được gỡ bỏ thuế chống bán phá giá và thuế chống bảo hộ, cùng với các chính sách siết chặt ngành săm lốp của Trung Quốc có thể giảm bớt áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam. Các doanh nghiệp có khả năng tăng giá bán và giảm chiết khấu, khuyến mại. Tuy nhiên, cần theo dõi sát tình hình tiêu thụ lốp radial của các doanh nghiệp CSM và DRC.

- Khuyến nghị Tích cực trong trung và dài hạn: Tỉ lệ sở hữu xe ô tô trong dân cư vẫn còn ở mức thấp; thu nhập của người dân ngày càng tăng cùng với quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ tạo nên tiềm năng tăng trưởng mạnh cho phân khúc săm lốp ô tô. Đây cũng là động lực tăng trưởng chính cho ngành săm lốp Việt Nam trong dài hạn.

Tải báo cáo