Doanh nghiệp đua giải trình vì lợi nhuận đột biến

Vnexpress | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 18 Tháng Năm 2010 15:29:00

Tiết giảm chi phí, hưởng lợi từ sự chênh lệch tỷ giá, lãi suất tiền gửi tăng... khiến lợi nhuận quý một nhiều doanh nghiệp vượt vài trăm phần trăm so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Một loạt doanh nghiệp gửi văn bản giải trình lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM và Hà Nội từ giữa cuối tháng 4 đến nay. Bởi theo quy định, nếu lợi nhuận sau thuế biến động từ 10% so với cùng kỳ báo cáo năm trước, công ty niêm yết phải nói rõ nguyên do.

Song, những trường hợp "phân trần" với Sở, đa phần đều có mức lãi ấn tượng. Mức tăng ít nhất cũng 30%, thậm chí gần 2.000%, thay vì chỉ dừng lại ở vài chục phần trăm như các kỳ kinh doanh trước đó.

Tiết giảm chi phí (bán hàng, quản lý doanh nghiệp), đơn hàng tăng, tìm cách nâng doanh thu là biện pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng và mang lại hiệu quả trong quý đầu tiên năm 2010.

Nhờ đó, Công ty CP cáp Sài Gòn (CSG) đạt lợi nhuận sau thuế 4,8 tỷ. Nếu so với kết quả khiêm tốn cùng kỳ (0,2 tỷ đồng), CSG tăng "khủng" 1.889%. Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, Đầu tư và xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (ASM), Kinh doanh và phát triển Bình Dương, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS)... đều đạt mức tăng khá, 168-596%. Công ty CP giống cây trồng trung ương (NSC), Traphaco (TRA), Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) có mức lãi "mềm" hơn, song cũng cao hơn cùng kỳ 23-72%.

Ngoài nguyên nhân chủ động thu hẹp các khoản chi phí, nhiều doanh nghiệp hưởng lợi do các yếu tố khách quan. Khoản lãi vượt gần 90% của Công ty CP dược Hậu Giang (DHG), một phần là do không phát sinh khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 51,47% so cùng kỳ. Bởi cùng khoản tiền gửi ngân hàng nếu năm ngoái chỉ hưởng lãi 7-8% một năm, thì nay lên 10-10,499%.

Không còn thua lỗ như cùng kỳ năm ngoái (1,4 tỷ đồng), do tỷ giá USD so với tiền đồng tăng, Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) có thu nhập từ hoạt động tài chính (chênh lệch tỷ giá) tăng khoảng 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, LAF (Công CP chế biến hàng xuất khẩu Long An) thoát khỏi cảnh sức cầu và giá tiêu thụ ở mức thấp như cùng kỳ, nên đã bứt phá mạnh, từ lỗ (5,6 tỷ đồng) chuyển thành lãi (16,5 tỷ đồng). Hay diễn biến thị trường thép thuận lợi, khiến Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) đẩy mạnh tiêu thụ lượng hàng hóa đã dự trữ từ cuối 2009, mang lại lợi nhuận cao.

Bóng đen khủng hoảng lùi lại phía sau. Doanh nghiệp hiện dồn sức hoạt động. Tuy kết quả đạt được trong quý một ở nhiều đơn vị còn khiêm tốn so với kế hoạch năm 2010, song nếu so với cùng kỳ lại rất khả quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp hồ hởi báo lãi, một số ít đơn vị vấp nhiều khó khăn, phải giải trình nguyên nhân giảm lợi nhuận. Giá nguyên liệu đầu vào, lãi vay, chi phí phát sinh ở mức cao... được đề cập nhiều nhất.

Chính vì vậy, lợi nhuận của Công ty CP đầu tư thương mại thủy sản Incomfish (ICF), Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP), Xi măng vật liệu xây dựng và xây lắp Đà Nẵng (DXV)... chỉ bằng 40-70% so với cùng kỳ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM: "Nếu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính, sản lượng sản xuất, tiêu thụ tăng lên, chi phí bán hàng cắt giảm, thì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mới bền vững. Doanh nghiệp có thể phát huy tiếp ở các kỳ kinh doanh tiếp theo".

Theo ông, nếu hưởng lợi từ đầu tư tài chính (hoàn nhập dự phòng khi thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, chênh lệch tỷ giá, lãi suất tiền gửi tăng..) hoặc các yếu tố may rủi khác tác động khiến lợi nhuận tăng... những điều này chưa chắc sẽ lặp lại trong các quý tới.

Mặc khác, báo cáo quý một chưa kiểm toán, nên số liệu cũng khó có độ chính xác cao. Một số doanh nghiệp có thể "diễn" trong báo cáo này để tạo thuận lợi cho phương án phát hành thêm sắp tới.

Giám đốc khối phân tích đầu tư Công ty chứng khoán SME - Nguyễn Việt Hùng cho rằng kết quả quý đầu năm ở nhiều doanh nghiệp tuy chưa bằng quý IV năm ngoái, song đã lạc quan hơn cùng kỳ.

Nếu năm ngoái, doanh nghiệp lao đao với bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm thì cái khó trong hoạt động hiện nay nằm ở khâu vốn, đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, khiến nhiều công ty thua lỗ trong quý một (HST, TYA, MTG, VNI, PTC...). 20/5 là hạn cuối để các công ty hoàn tất báo cáo tài chính hợp nhất và gửi lên Sở.

Theo quy định, nếu lợi nhuận sau thuế biến động 10% trở lên so với cùng kỳ báo cáo, hoặc cổ phiếu liên tiếp tăng trần, giảm sàn 5 phiên liền, doanh nghiệp phải giải trình với Sở. Song, nhiều nhà đầu tư cho rằng quy định này mang tính hình thức. Vì khi kinh doanh khó khăn hay tăng trưởng, phần lớn doanh nghiệp đều trình bày nguyên nhân giống nhau mà ai cũng có thể nghĩ ra.

Song, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam mỗi khi có biến động trong kinh doanh hoặc giá cổ phiếu, doanh nghiệp cần có tiếng nói, giải thích nguyên nhân tăng trưởng hay sụt giảm, tránh hiện tượng làm giá.

Thời gian qua, nhiều cổ phiếu nhỏ kinh doanh thua lỗ nhưng giá tăng vèo vèo. Khi đó, khẳng định của doanh nghiệp phần lớn tương tự nhau: "Do diễn biến chung của thị trường chứng khoán trong nước, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty và không có thông tin nào tác động đến việc giao dịch của nhà đầu tư...".

Tuy nhiên theo các chuyên gia ngành, ít ra đây cũng là thông tin chính thống, giúp nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong giao dịch, tránh chạy theo tin đồn.

Bạch Hường