Là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới, nhưng Việt Nam chưa có chứng chỉ cao su bền vững cho cao su thiên nhiên, nên giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa cao.
Cao su hiện là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê từ Hiệp hội Cao su Việt Nam, diện tích cao su của cả nước đạt gần 1 triệu ha, với gần 70% trong đó là diện tích đang cho thu mủ. Doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu là các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện đang nắm giữ khoảng 38,4% tổng diện tích, các hộ gia đình nắm giữ 51,9% và phần còn lại (9,7%) là của các công ty tư nhân.
Sản xuất cao su bền vững còn khá mới
Hàng năm, lượng cung cao su thiên nhiên từ Việt Nam khoảng 1,1 triệu tấn, trong đó lượng cung từ các hộ (khoảng 264.000 hộ) chiếm 60% tổng lượng cung; còn lại là từ các công ty cao su nhà nước (33%) và công ty tư nhân (7%).
Việt Nam còn nhập khẩu cao su nguyên liệu từ Campuchia và Lào, với số lượng khoảng 0,3-0,5 triệu tấn/năm.
Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới. Mỗi năm, khoảng 80% cao su thiên nhiên từ Việt Nam, bao gồm lượng nhập khẩu từ Campuchia và Lào được xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 60% thị phần trong tổng lượng cao su xuất khẩu từ Việt Nam.
Các thị trường khác có lượng nhỏ hơn rất nhiều, bao gồm Ấn Độ, Malaysia… Khoảng gần 20% trong tổng lượng cung, bao gồm cả từ lượng nguyên liệu nhập khẩu, được đưa vào chế biến sâu tại Việt Nam, với sản phẩm đầu ra chủ yếu là lốp xe, linh kiện ô tô, đế giày, sản phẩm thể thao... Các sản phẩm này được sử dụng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông An cũng cho rằng, đến nay, các sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu vẫn là cao su thiên nhiên. Hiện tại, Việt Nam chưa có chứng chỉ cao su bền vững cho cao su thiên nhiên, nên giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa cao.
Trong khi đó, những năm gần đây xuất hiện xu hướng dịch chuyển về nhu cầu của thị trường thế giới theo hướng các sản phẩm cao su bền vững. Thị trường đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và không làm tổn hại đến cộng đồng. Các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đảm bảo việc tiếp cận thị trường thế giới. Nhu cầu về cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng và mở rộng.
Đến nay, sản xuất cao su bền vững vẫn còn tương đối mới mẻ với ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là đối với một số công ty và hàng trăm nghìn hộ trồng cao su tiểu điền tham gia vào khâu sản xuất.
Chịu áp lực "cơm áo gạo tiền"
TS. Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia từ Tổ chức Forest Trends nhìn nhận, việc truy xuất nguồn gốc cao su hiện rất khó khăn do đầu vào nguyên liệu được nhập từ nhiều nguồn, dẫn đến không rõ ràng về quy trình, cách thức trồng trọt, thu mủ. Đây là một những yếu tố cản đường cao su Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới. Do vậy, ngành cao su cần tăng cường truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản xuất theo chứng chỉ quốc tế để đạt chất lượng tốt hơn.
Ông Huỳnh Nhật Tân, đại diện Công ty TNHH sản xuất cao su Minh Anh đánh giá, nếu sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được các nguyên tắc có lợi cho môi trường, cho xã hội chắc chắn sẽ giúp xây dựng một thương hiệu riêng cho sản phẩm cao su Việt Nam tiếp cận được các thị trường khó tính, thu về giá trị cao hơn.
Công ty Minh Anh đang xây dựng thí điểm 600ha cao su tự nhiên sản xuất theo chứng chỉ bền vững quốc tế. Khi nhìn vào sản phẩm của Minh Anh, khách hàng có thể biết sản phẩm đến từ nhà vườn nào, thu hoạch thời điểm nào, người công nhân nào cạo mủ. Chất lượng nguyên liệu được đảm bảo theo chuẩn mực quốc tế, bản thân các hộ trồng cao su tiểu điền cũng gia tăng thu nhập.
Tuy nhiên, ông Tân cũng cho biết, Công ty Minh Anh gặp phải vấn đề vướng mắc là các hộ tiểu điền hiện nay không quen với việc sản xuất theo quy trình. Hơn nữa, sản xuất sạch sẽ gia tăng chi phí, trong khi áp lực "cơm áo gạo tiền" khiến chính bản thân các hộ tiểu điền không mặn mà, nhất là trong bối cảnh quý I, quý II/2020 vừa qua, giá cao su xuống sâu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Còn theo đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam, cuối năm 2020, Tập đoàn sẽ có 56.000 ha cao su có chứng chỉ bền vững. Song, điểm khó khăn hiện nay là tiêu chuẩn sản xuất của Tập đoàn và tiêu chuẩn quốc tế còn khác nhau. Tập đoàn đang rà soát quy trình theo hướng bền vững, đáp ứng tốt hơn nữa tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế. Mặt khác, việc đạt được tiêu chuẩn bền vững cũng cần phải đi kèm với tìm kiếm khách hàng có nhu cầu với sản phẩm đó. Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để thúc đẩy tìm kiếm thị trường.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, cần tạo kết nối giữa các tổ chức và hộ gia đình sản xuất cao su tại Việt Nam, các nhà chế biến với các công ty mua cao su toàn cầu thông qua việc kết nối trao đổi thông tin, xúc tiến việc sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam trong tương lai.
Lê Thúy