Doanh nghiệp địa ốc đã tăng tốc trở lại sau khi những rào cản về thủ tục hành chính và giãn cách xã hội cơ bản đã được gỡ bỏ.
Một giai đoạn “bình thường mới”
Chính phủ có nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư dự án, giãn thuế, giãn và tái cơ cấu các khoản nợ vay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Nghị quyết này một lần nữa đã tạo ra xung lực cho doanh nghiệp địa ốc tự tin bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Nói như ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, những khó khăn của thị trường hiện nay đều mang tính tạm thời, ngay cả việc dự án bị ách tắc thủ tục cũng mang tính tạm thời và trên thực tế, các dự án này không mang tính đại diện cho toàn thị trường.
“Chính trong sự khó khăn này, đôi khi lại hình thành nên những cơ hội mới, đó là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp có cơ hội mua lại các quỹ đất để phát triển các dự án chuyên nghiệp, thay vì trước đó quỹ đất bị đầu cơ tích trữ”, ông Phúc nói.
Theo chia sẻ của khá nhiều doanh nghiệp địa ốc, mặc dù mức độ giao dịch chưa biến chuyển mạnh, nhưng làn sóng của giới đầu tư và người có nhu cầu ở thực đang có dấu hiệu phục hồi khá rõ nét. Tuy vậy, cho tới nay, nhìn chung lượng giao dịch vẫn chưa ổn định do khách hàng vẫn còn tâm lý dè chừng.
Đòi hỏi của “cuộc chơi” chuyên nghiệp
Có thể thấy, thị trường bất động sản hiện nay đang có sự phân hóa mạnh khi đẳng cấp doanh nghiệp lớn vẫn được chứng minh bằng khả năng hồi phục hồi hoạt động rất nhanh sau dịch bệnh, còn lượng lớn doanh nghiệp nhỏ lẻ dường như vẫn đang “thoi thóp”. Trước nhận định trên, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time cho rằng, hiện là cơ hội vài chục năm mới xuất hiện một lần để tiến nhanh, tiến mạnh, nhưng với nhiều người thực sự là “lực bất tòng tâm” khi đã hết lực để vực dậy.
Quả thật, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, mặc dù thị trường bất động sản được xem là mảnh đất màu mỡ trong nhiều năm, song trên thực tế, số lượng doanh nghiệp được đánh giá là có nguồn lực, sự chuyên nghiệp để trở thành những nhà phát triển bất động sản thực thụ không nhiều.
Minh chứng thực tế là, dù thị trường mới chỉ thực sự khó khăn từ đầu năm đến nay, song đã có hàng trăm doanh nghiệp bất động sản mất sức cầm cự. Tất nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp non yếu, thì cũng có những doanh nghiệp mạnh nguồn lực, lại xem thời điểm này là cơ hội.
Ông Trần Lê Thanh Hiển, Chủ tịch Danh Việt Group cho biết, trong chiến lược đầu tư, doanh nghiệp này sẽ phân ra 2 dòng sản phẩm, trong đó, từ nay đến giữa năm 2021 sẽ tập trung phát triển dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu thực; từ giữa năm 2021 trở về sau tùy tình hình sẽ có chiến lược kế tiếp.
“Đầu tháng 12 tới, Danh Việt Group sẽ công bố một dự án căn hộ có diện tích nhỏ tại Bình Dương với giá trị sản phẩm trên dưới 1 tỷ đồng/căn, dự án được chúng tôi M&A lại từ đầu năm 2020”, ông Hiển nói và tự tin, với sự chuẩn bị chu đáo, dự án này sẽ được thị trường đón nhận.
Còn với Tập đoàn Hưng Thịnh, kế hoạch từ đây đến cuối năm, tập đoàn này sẽ có khá nhiều dự án được tung ra thị trường, đồng thời tăng cường đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các dự án đại đô thị chuẩn bị cho kế hoạch năm 2021. “Với Hưng Thịnh, không phải đợi đến lúc này mới khởi động dự án, mà từ đầu năm đến nay vẫn đều đặn đưa dự án ra thị trường, do các dự án của Hưng Thịnh đều đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở nên luôn đươc người mua nhà đón nhận”, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nói.
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, ghi nhận gần đây cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, Novaland, Thủ Đức House, LDG, Danh Khôi… cũng đang âm thầm triển khai các dự án, tìm kiếm các quỹ đất tốt để mua lại chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sắp tới.
Thiện Minh