Vốn thu được từ đợt phát hành 15 triệu cổ phiếu sẽ được Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà sử dụng để thanh toán khoản nợ vay với VietinBank - chi nhánh Hà Nam và Công ty TNHH Tiến Đại Phát.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà (mã chứng khoán: BOT) đã thông báo nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu BOT cho nhà đầu tư chiến lược với giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu. Toàn bộ cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành.
Thời điểm thực hiện phát hành cổ phiếu sẽ được doanh nghiệp ấn định trong quí 4-2020 sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ được phân phối cho sáu cá nhân không có mối liên hệ với doanh nghiệp. Trong đó, ba cá nhân mua mỗi người mua ba triệu cổ phiếu, còn ba cá nhân mua mỗi người mua hai triệu cổ phiếu.
Nếu việc phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ doanh nghiệp dự kiến tăng từ 485 tỉ đồng lên 635 tỉ đồng. Đáng chú ý, số vốn này sẽ được dụng để thanh toán các khoản nợ vay với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - chi nhánh Hà Nam và Công ty TNHH Tiến Đại Phát với giá trị lần lượt là 56,132 tỉ đồng và 93,868 tỉ đồng.
Dư nợ phát sinh giữa BOT Cầu Thái Hà và hai đơn vị này lần lượt là 96,368 tỉ đồng và 977,5 tỉ đồng tính tới 30-9-2020, theo báo cáo tài chính quý 3-2020 của doanh nghiệp. Trong đó, khoản vay với Công ty TNHH Tiến Đại Phát có lãi suất 0%, số tiền đi vay được sử dụng cho các nhu cầu tài chính. Còn khoản vay với VietinBank có lãi suất được điều chỉnh theo thông báo của ngân hàng, số tiền đi vay được sử dụng để thanh toán các chi phí đầu tư dự án và thực hiện xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng.
Quyết định của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh liên tục ghi nhận kết quả thua lỗ. Cụ thể, doanh nghiệp lỗ thêm 70 tỉ đồng sau chín tháng của năm 2020 do chi phí tài chính – chủ yếu là khoản chi trả lãi vay – cao hơn khoảng tám lần lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, đạt mức hơn 80 tỉ đồng.
Luỹ kế đến 30-9-2020, BOT Cầu Thái Hà đã lỗ hơn 168 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BOT Cầu Thái Hà liên tục ghi âm từ thời điểm doanh nghiệp tiến hành thu phí. Trong giai đoạn từ đầu năm 2020 tới hết ngày 30-9-2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã âm hơn 43,1 tỉ đồng – cao hơn 23 tỉ đồng so với cung giai đoạn năm 2019, do phải chi trả khoản lãi vay trị giá gần 56,9 tỉ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.157 tỉ đồng tính đến 30-9-2020, cao hơn khoảng 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 134 tỉ đồng - tăng 87 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Còn dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 977 tỉ đồng - giảm 55 tỉ đồng so với đầu năm.
Các khoản nợ tín dụng này hiện được thanh toán nhờ vào sự tài trợ của cổ đông lớn là Công ty TNHH Tiến Đại Phát.
Trước đó, kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và tin học TPHCM từng bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Cổ phần BOT Cầu Thái Hà trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020.
Tháng 2-2020, BOT Cầu Thái Hà từng gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban quản lý dự án Thăng Long với nội dung về một số vấn đề tồn tại tại các khâu: lập dự án đầu tư, mời nhà đầu tư, triển khai xây dựng, khai thác dự án gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng đề xuất được lắp đặt bổ sung trạm thu phí, lập dự án đánh giá lưu lượng xe thực tế qua cầu, vốn hoá các chi phí trong thời gian chờ hoạt động, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu đúng, thu đủ để hoàn vốn đầu tư.
Hoàng Thắng