CTG tiếp tục bứt tốc ngắn hạn?

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 16 Tháng Mười Một 2020 08:02:00

Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, HoSE: CTG) đã tăng liên tục trong nhiều phiên giao dịch vừa qua. Cổ phiếu này duy trì đà tăng ngắn hạn?

CTG đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020 với lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 2.337 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng cho vay khách hàng trong kỳ đạt 2,4%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 1,13%, thấp hơn so với mức tăng trưởng toàn ngành ở mức 6,1% do đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giảm 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của CTG hồi phục lên mức 3,04%, tăng 38 điểm phần trăm so với quý trước do hệ số tiền gửi không kỳ hạn CASA tăng lên mức 18% - mức cao nhất kể từ năm 2016. 

Thu nhập ngoài lãi khả quan khi tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Công ty Chứng khoán HSC, thu nhập ngoài lãi của CTG tăng trưởng tích cực trong quý 3 nhờ vào lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu nhập khác, chủ yếu là từ thu hồi nợ xấu đã xóa. Lãi mua bán trái phiếu giảm trong quý 3 nhưng vẫn tăng mạnh nhất trong số các nguồn thu nhập ngoài lãi. Trong khi đó, lãi từ thoái 50% cổ phần Công ty Cho thuê Tài chính TNHH MTV Vietinbank (VietinBank Finance Leasing) chưa được hạch toán vào kết quả kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, CTG đạt lợi nhuận trước thuế 10.364 tỷ đồng, cao hơn 22% so với cùng kỳ 2019. Lãi sau thuế tăng tương đương, ở mức 8.356 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của CTG là 17.949 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối quý 2 và tăng 66% so với đầu năm nay. Nợ nhóm 5 giảm 43% xuống 4.161 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng gần 5 lần. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,87%. 

Các chuyên gia tài chính nhận định, CTG sẽ tiếp tục tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng trong quý 4/2020, bên cạnh đó việc không trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC trong quý 3 sẽ khiến cho CTG khó về đích trong việc trích lập hoàn toàn cho trái phiếu VAMC năm 2020.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng có vốn Nhà nước tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.  

Được biết, CTG đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018, 2019. Việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức sẽ giúp cho CTG giữ lại nguồn vốn để cải thiện hệ số CAR hiện tại của mình.

Hệ số CAR của CTG kỳ vọng sẽ đạt mức 8,2%, cao hơn mức tối thiểu là 8% theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN và đây là bước cuối cùng để CTG áp dụng BASEL II theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, CTG có thể sẽ đạt được một thỏa thuận về bancassurance độc quyền trong khoảng thời gian cuối năm nay, thông tin này có thể sẽ có tác động tích cực tới giá cổ phiếu CTG trong ngắn hạn. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mức Stock Rating của CTG ở mức 87 điểm, trong đó điểm cơ bản và sức mạnh giá đều đạt mức trên 80 điểm.  

Ở mức giá hiện tại, CTG đang được giao dịch tại P/B là 1,3x, thấp hơn mức P/B trung bình ngành là 1,5x. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/11, CTG đóng cửa ở mức 31.950đ/cp, tăng nhẹ 3,06%. “Đồ thị giá cổ phiếu CTG đang xuất hiện dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy, nhưng xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được duy trì. Do đó, các nhà đầu tư có thể xem xét mua cổ phiếu CTG ở mức giá phù hợp”, ông Minh khuyến nghị.

Diễm Ngọc