Ngành đường sắt Việt Nam: Thua lỗ triền miên, hàng ngàn lao động mất việc trong năm 2020

Báo Công luận | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 12 Tháng Mười Một 2020 09:46:00

Hiện tại, trung bình một tháng, công ty mẹ - Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) bị hụt dòng tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng. Dự tính, tổng thâm hụt dòng tiền của VNR năm 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự báo thua lỗ trên 1.200 tỷ đồng năm 2020

Dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động vận tải đường sắt. Theo VNR, tính từ tháng 2 đến 5/2020 đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ; tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt trên dưới 56%. 

Việc bùng phát dịch Covid-19, đợt 2 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch chạy tàu cùng các nỗ lực tăng sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách của Tổng công ty. Chỉ trong 18 ngày kể từ ngày dịch Covid-19 đợt 2 (từ ngày 23/7 đến 09/8/2020) số lượng vé trả lại tương ứng với 34,4 tỷ đồng, doanh thu vận tải hành khách giảm hàng ngày. 

Tổng công ty đã phải cắt giảm 6/10 đoàn tàu tuyến Hà Nội - TP.HCM. Các đoàn tàu địa phương khác cũng phải cắt giảm và chỉ tổ chức chạy tàu vào các ngày cuối tuần và một số tuyến phải dừng chạy tàu. 

Theo báo cáo tài chính, dự kiến cả năm 2020, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) lỗ trên 1.200 tỷ đồng với dòng tiền bị suy giảm nhanh ngay từ tháng 3/2020. Hiện tại, trung bình một tháng, công ty mẹ - VNR bị hụt dòng tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng. Dự tính, tổng thâm hụt dòng tiền của VNR năm 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, doanh nghiệp này kinh doanh dưới giá vốn với khoản lỗ trước thuế trên 304 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ góp phần lỗ hơn 170 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2020 toàn ngành báo lỗ 725 tỷ đồng. Đó là con số lỗ kỷ lục của ngành từ trước đến nay. Đáng chú ý, VNR dự kiến lỗ sau thuế hơn 1.394 tỉ đồng trong năm 2020.

Với sự đầu tư lớn cho ngành đường sắt trong những năm qua, nhiều ý kiến cho rằng, với việc càng đầu tư càng lỗ, ngành đường sắt không thể cứ mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước. Do đó việc thu hút nhà đầu tư để phát triển, hiện đại hoá đường sắt phải được đặt ra.

Bởi thực tế cho thấy, với hệ thống hạ tầng đường sắt gần như vẫn giữ nguyên trạng suốt 100 năm qua, mà việc phê duyệt 7.000 tỷ đồng để nâng cấp đường sắt cho 4 dự án lớn, cho thấy Quốc hội đã thực sự dành mối quan tâm lớn đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách cho duy tu bảo dưỡng định kỳ chưa đáp ứng nổi 1/3 trong tổng số 6.000 tỷ đồng cần có, thì con số 7.000 tỷ vẫn vẫn quá nhỏ, nếu đặt trong yêu cầu về nâng cấp, chứ chưa nói đến chuyện hiện đại hóa.

Do hoạt động phụ thuộc vào dự toán ngân sách giao hằng năm, nên khi ngân sách nhà nước bị gián đoạn, VNR và 20 công ty thành viên đã kêu cứu khắp nơi về nguy cơ dừng tàu, thiếu tiền trả lương cho công nhân.

Hụt hơi trong cuộc đua thị phần với hàng không và đường bộ, thị phần vận tải ngành đường sắt hiện cũng ở mức thấp nhất khi chỉ chiếm gần 0,2% sản lượng vận chuyển hành khách và 1,2% sản lượng vận tải hàng hóa. Trong khi đó, bộ máy cồng kềnh với hơn 11.000 lao động, nên chỉ trả lương cho cán bộ nhân viên cũng khiến ngành đường sắt đủ bị quá sức.

Thua lỗ thê thảm, Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh bị kỷ luật

Trước đó, ngày 24/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 134/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian giữ các chức vụ: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải.

Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cũng đã quyết định kỷ luật ông Vũ Anh Minh với hình thức cảnh cáo. Bên cạnh đó, đơn vị này đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuộc họp kiểm điểm ông Minh về mặt hành chính.

Mới đây, tại buổi làm việc của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Tổng công ty Đường sắt, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, những khó khăn của VNR xuất phát từ những tồn tại, bất cập trong cơ chế chính sách và quy định của pháp luật chứ không phải vấn đề VNR trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay Bộ Giao thông vận tải. 

Chỉ ra doanh nghiệp chưa thích ứng với đặc điểm của nền kinh tế hiện nay, ông Hoàng Anh cho rằng, VNR cùng với các doanh nghiệp hàng hải, hàng không, đường bộ thuộc Ủy ban cần có sự phối hợp, hợp tác, tạo thành hệ thống vận tải đa phương thức; giảm chi phí logistics, từ đó dẫn tới giảm chi phí hàng hóa và đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Về các đề xuất của VNR, Ủy ban đã dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho VNR đối với 3 nội dung: Miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; Miễn trích nộp ngân sách Nhà nước 20% tiền thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020; Đánh giá, xem xét việc lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP.

Minh Châu