Thương vụ thoái vốn tại An Khánh JVC đã hoàn tất vài tháng nay, nhưng khoản phải thu quy mô lớn vẫn treo dai dẳng trên báo cáo tài chính mới nhất của Tổng công ty cổ phần Vinaconex.
An Khánh JVC giúp lợi nhuận tăng đột biến
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2020 của Vinaconex (mã VCG, sàn HNX) ghi nhận doanh thu thuần 1.270 tỷ đồng, giảm 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy doanh thu giảm, nhưng Tổng công ty có khoản doanh thu hoạt động tài chính rất khủng trong kỳ, đạt 2.185,3 tỷ đồng, tăng tới 3.072% so với quý III/2019. Điều này giúp cho lợi nhuận sau thuế của Vinaconex tăng tới 310,6%, đạt 1.037,7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty đạt 1.450,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 158,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất tăng đột biến trong quý III/2020 một phần đáng kể đến từ sự đóng góp của công ty mẹ. Trong kỳ tài chính vừa qua, thương vụ thoái vốn của công ty mẹ Vinaconex tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) đã giúp lợi nhuận công ty mẹ tăng 776,68%, đạt 879,4 tỷ đồng.
An Khánh JVC là liên doanh được thành lập từ năm 2006 giữa Vinaconex và Công ty Posco E&C (Hàn Quốc), mỗi bên góp 50% vốn. Mục đích chính của liên doanh này là đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh. Năm 2017, Posco E&C đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại An Khánh JVC cho Công ty Bất động sản Phú Long.
Theo thiết kế, Khu đô thị mới Bắc An Khánh có tổng diện tích 264,13 ha, tổng mức đầu tư theo khái toán là 3.391,4 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Dự án mới hoàn thành giai đoạn I trên dện tích 46,93 ha, bao gồm 317 căn biệt thự, 236 căn liền kề và 496 căn hộ chung cư. Diện tích còn lại là 198,96 ha vẫn chưa triển khai.
Rủi ro phải thu tăng vọt
Trong bảng cân đối kế toán hợp nhất quý III/2020 của Vinaconex, các khoản phải thu ngắn hạn có chiều hướng giảm, với giá trị là 6.798 tỷ đồng, giảm 6,9% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng vọt từ 350,4 tỷ đồng lên 1.582,9 tỷ đồng (tăng 351,4%). Tỷ lệ các khoản phải thu ngắn hạn phải trích lập dự phòng theo đó tăng từ 4,8% tại thời điểm đầu năm lên mức 23,3% tại thời điểm cuối quý III/2020.
Trong cơ cấu phải thu ngắn hạn, khoản phải thu của khách hàng là nhóm tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị 3.157,5 tỷ đồng. Trong đó, dù không còn là công ty liên kết sau khi Vinaconex thoái vốn, nhưng An Khánh JVC vẫn hiện diện rất đậm nét trong “mối quan hệ nợ nần”.
Cụ thể, số dư phải thu ngắn hạn của Vinaconex đối với An Khánh JVC tại ngày 30/9/2020 lên tới hơn 702,7 tỷ đồng. Theo đó, An Khánh JVC vẫn là khách hàng nợ tiền nhiều nhất đối với Vinaconex, gấp tới hơn 4,7 lần khách hàng nợ đứng thứ hai là Công ty cổ phần ADG Holding.
Đó là các số liệu trong bức tranh tài chính hợp nhất của Vinaconex. Trong khi đó, nếu tách riêng công ty mẹ, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi còn tăng nhanh hơn, với tốc độ tăng tới 566%, từ 219,3 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 1.460,5 tỷ đồng cuối tháng 9/2020. Tỷ lệ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng từ 4,3% tại ngày 1/1/2020 lên 28,2% vào ngày 30/9/2020.
Ngoài các khoản phải thu khách hàng, phải thu về cho vay ngắn hạn cũng tăng gấp 2 lần trong vòng 9 tháng qua. Trong đó, phải thu cho vay dài hạn có một khoản đáng chú ý là cho vay đối với Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả do đây là khoản cho vay không có tài sản đảm bảo. Khoản cho vay này sẽ đáo hạn vào cuối tháng 11/2021, số dư gốc của khoản vay bằng ngoại tệ là gần 36 triệu USD, lãi suất cho vay 1,5%.
Ngoài ra, các khoản phải thu của Vinaconex với các bên liên quan cũng khá phức tạp, thể hiện ở nhiều trạng thái gồm phải thu khách hàng, trả trước người bán, phải thu cho vay…
Chí Tín