Trong những doanh nghiệp báo lỗ 9 tháng đầu năm nay, nhóm các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, vận tải là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.
Ngành vận tải điêu đứng
Đứng đầu danh sách lỗ 9 tháng đầu năm nay của ngành vận tải hàng không là “ông lớn” Vietnam Airlines. Cụ thể, doanh thu hợp nhất 9 tháng của Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, HoSE: HVN) đạt 23.948 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Lợi nhuận theo quý của Vietnam Airlines.
Lỗ hợp nhất trước thuế 9 tháng là 10.750 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch lỗ năm 2020. Riêng Vietnam Airlines lỗ 8.737 tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch lỗ 2020.
Một doanh nghiệp khác trong ngành vận tải biển là Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UpCOM: NOS), tính đến 30/9/2020, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 4.355 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020, NOS ghi nhận doanh thu 60 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 49 tỷ đồng, cùng thời điểm năm 2019, NOS lỗ 35 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp vận tải biển này đạt 166 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019. Lỗ sau thuế 181 tỷ đồng, tăng so với số lỗ 147 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019.
Tính tới thời điểm 30/9, vốn điều lệ của NOS hơn 200 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu âm 4.095 tỷ đồng do phải chịu số lỗ luỹ kế lên tới 4.355 tỷ đồng.
Năm 2020, NOS đặt mục tiêu đạt doanh thu 83 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, NOS đã vượt gấp đôi kế hoạch năm về doanh thu. Tuy nhiên, tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện.
Lãnh đạo NOS cho rằng, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến doanh thu vận tải biển của hãng sụt giảm. Tàu Handy size trước đây cho thuê 4.000 USD/ngày nhưng thời gian qua đã giảm một nửa, xuống chỉ còn 2.000 USD/ngày. Chỉ có tàu Phương Đông 10 vẫn duy trì được giá cước cũ.
Tương tự, một doanh nghiệp vận tải khác là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HoSE: VNS), với doanh thu quý III/2020 giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 222 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh nghiệp có hơn 21 tỷ đồng lợi nhuận khác, chủ yếu từ thanh lý xe cũ. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, VNS báo lỗ sau thuế hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, lỗ thuộc về các cổ đông công ty mẹ là 56 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, VNS đạt doanh thu thuần 743 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động kinh doanh chính chịu lỗ 228 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 185 tỷ đồng.
Năm 2020, VNS đặt kế hoạch doanh thu 1.180 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước. Về lợi nhuận, doanh nghiệp cũng dự kiến thua lỗ 115 tỷ đồng và đây sẽ là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2008. Tuy nhiên, sau 9 tháng, số lỗ của VNS đã vượt xa chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị tài sản của công ty cũng tiếp tục đi xuống, còn 2.127 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm nay.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính quý III/2020 của VNS cũng cho biết đến ngày 30/9 doanh nghiệp chỉ còn 4.483 nhân viên, tiếp tục giảm 142 người so với cuối quý II/2002 và số lượng nhân viên của công ty đã giảm tới 1.300 người so với thời điểm cuối năm 2019.
Dịch vụ Du lịch kiệt quệ
Đối với ngành du lịch, COVID-19 đã khiến không chỉ các doanh nghiệp lữ hành “kiệt sức”, mà các doanh nghiệp dịch vụ, khách sạn cũng cùng chung số phận. Đơn cử như Công ty CP Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (UpCOM: BDP) là chủ sở hữu và trực tiếp vận hành khách sạn Sheraton Grand Danang Resort - một trong những khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất thành phố biển miền Trung, mới đây phải hủy đăng ký giao dịch 25 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM do tình hình kinh doanh liên tục thua lỗ.
Báo cáo tài chính quý III của BDP cho biết khách sạn Sheraton Đà Nẵng chỉ có doanh thu 8 tỷ đồng trong suốt 3 tháng qua, giảm hơn 90% so với cùng kỳ 2019. Đây là hậu quả của việc khách sạn phải đóng cửa từ ngày 28/7 đến 8/9 khi làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng.
Với doanh thu quá thấp, Sheraton Đà Nẵng lỗ gộp 32 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp phải trả chi phí lãi vay lên tới 43 tỷ đồng. Sheraton Đà Nẵng đang vay nợ tổng cộng hơn 1.250 tỷ đồng. Cùng với đó, khách sạn 5 sao này vẫn phải trả 12 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp, dù đã tiết giảm hơn 60% chi phí so với quý III/2019.
Sau cùng, Sheraton Đà Nẵng lỗ sau thuế 87 tỷ đồng trong 3 tháng qua. Đây cũng là kỷ lục thua lỗ lớn nhất trong một quý của khách sạn 5 sao này từ khi hoạt động. Cùng kỳ 2019, mức lỗ của Sheraton Đà Nẵng là 35 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sheraton Đà Nẵng có doanh thu 63 tỷ, thua lỗ tổng cộng 233 tỷ đồng. Mức lỗ sau 3/4 thời gian của năm 2020 của khách sạn này lớn hơn số lỗ của cả năm 2018, 2019.
Nếu tính chung với khoản lỗ các năm trước, lỗ lũy kế của Sheraton Đà Nẵng tại thời điểm 30/9 lên tới 571 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hiện tại của khách sạn này âm 317 tỷ.
Tương tự, Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An (HoSE: HOT) với kết quả kinh doanh quý III/2020 lỗ hơn 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này có lãi hơn 5 tỷ đồng.
Lãnh đạo HOT cho rằng do dịch COVID-19 tái bùng phát trực tiếp lên ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi hồi cuối tháng 7/2020, khiến các dịch vụ lưu trú và khách sạn phải tạm dừng đón khách. Vì vậy, trong quý III, HOT chỉ kinh doanh trong thời gian 1 tháng và dự báo quý IV vẫn tiếp tục lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của HOT chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 30 tỷ đồng, phần lớn đến từ doanh thu của Khách sạn Hội An và Khu du lịch Biển. HOT ghi nhận lỗ trên 15 tỷ đồng so với lãi 11 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.
Cùng chung cảnh ngộ thua lỗ là Công ty CP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (HoSE: TCT) cũng ghi nhận doanh thu trong quý III giảm gần 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 2,6 tỷ đồng.
Trong quý III, TCT ghi nhận lỗ gần 6 tỷ đồng so với mức lãi ghi nhận năm ngoái là 3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của TCT đạt 39 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 doanh thu cùng kỳ và và lãi sau thuế chỉ 139 triệu đồng so với mức lãi 74 tỷ đồng của năm 2019.
Đình Đại