Thua lỗ vẫn đang "phong tỏa" Đạm Hà Bắc

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 28 Tháng Mười 2020 08:33:00

CTCP Phân đạm và Hóa chất Hòa Bắc (DHB) vừa công bố mức lỗ ròng 385 tỷ đồng trong quý III và 1.077 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2020.

Nguyên nhân do giá vốn tăng cao và chi phí tài chính lớn, chủ yếu là lãi vay. Tính riêng trong quý III, mức lỗ gộp đã là 104 tỷ đồng, chi phí lãi vay 241 tỷ đồng.

Doanh thu tăng nhẹ 2% đạt 559 tỷ đồng, nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 58% và 20% khiến công ty thua lỗ nặng thêm. Lũy kế từ đầu năm, Đạm Hà Bắc thu về 2.046 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 4%; số lỗ gấp 2,55 lần cùng kỳ năm ngoái.

Theo ban lãnh đạo Đạm Hà Bắc, COVID-19 là nguyên nhân ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của công ty. Cụ thể là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, giá Urê và NH3 vẫn ở mức thấp kéo theo việc giá bán sản phẩm đã giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ.

Lưu thông sản phẩm gặp nhiều trở ngại, mua linh kiện, thiết bị từ Trung Quốc, Châu Âu chậm trễ. Công ty thiếu hụt lao động và thiếu vốn duy trì hoạt động kinh doanh.

Vẫn theo giải trình của Đạm Hà Bắc, công ty phát sinh thua lỗ do chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng 30% trong tổng doanh thu. Đạm Hà Bắc đang vay nợ tài chính ngắn hạn là 1.203 tỷ đồng, tăng gần 5% so đầu kỳ; còn dài hạn tới 6.283 tỷ đồng, giảm nhẹ 4%. Tức tổng mức vay nợ tài chính hớn 7.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Đạm Hà Bắc Nguyễn Đức Ninh cho biết, hiện Đạm Hà Bắc vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất bình quân là 10,78%/năm (các khoản dư nợ đang áp dụng lãi suất từ 8,55%/năm đến 12%/năm).

“Do công ty không thể cân đối được dòng tiền trả nợ đúng hạn gốc, lãi và phải chịu lãi phạt trên số tiền chậm trả (lãi phạt trên số tiền chậm trả là 150% lãi suất trong hạn, có khoản vay với lãi phạt lên đến 18%/năm)”, ông Nguyễn Đức Ninh cho biết.

Về hoạt động kinh doanh, than và điện là nguyên nhiên liệu sản xuất chủ yếu liên tục tăng giá. Cụ thể, giá than 4a tăng 2,7%, giá than 5a tăng 7,8%, giá điện bình quân tăng 7% so với quý 4/2018.

Ngoài ra, thị trường phân bón ure cuối năm 2019 giảm sâu làm cho giá bán các sản phẩm của công ty giảm mạnh so với năm 2018 dẫn đến lợi nhuận gộp giảm. Từ đó, giá bán sản phẩm không đủ bù đắp chi phí cố định tăng cao như khấu hao tài sản và lãi vay đầu tư.

Một vấn đề nữa là luật thuế đưa sản phẩm phân bón thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gây bất lợi kép cho công ty do vừa không được hoàn thuế đầu vào vừa giảm sức cạnh tranh so với hàng nhậu khẩu.

Một nguyên nhân khác đến từ việc trong quý III, chi phí khấu hao tài sản cố định tăng mạnh do công ty thực hiện trích khấu hao 100% so với mức phải trích theo phương pháp đường thẳng (2019 chỉ trích 50%) và phần giãn khấu hao giai đoạn 2017 – 2019 được phân bổ từ năm 2020 theo thời gian còn lại của tài sản cố định.

Trước đó, trong cả năm 2019, chi phí lãi vay của doanh nghiệp đạt 840 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm trước và đều chưa thanh toán cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đánh giá, chi phí tài chính theo đó đang là gánh nặng lớn nhất của đạm Hà Bắc và thực tế này đặt ra yêu cầu nếu không được cơ cấu lại nợ cũng như lãi vay, Đạm Hà Bắc sẽ rất khó để tiếp tục duy trì sản xuất.

Số dư các khoản vay nợ ngân hàng đến cuối năm 2019 gần 7.500 tỷ đồng, một phần dư nợ gốc đã được thanh toán (khoảng 200 tỷ đồng). 

Trong đó, khoản vay lớn nhất là để đầu tư dự án cải tạo và mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc với giá trị tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Gần 3.770 tỷ đồng được vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo hợp đồng tín dụng ký năm 2008, đáo hạn vào năm 2023. Cũng để tài trợ cho dự án này, Đạm Hà Bắc vay 222 triệu USD với lãi suất 5,5%/năm tại VietinBank hồi năm 2010.

Nguyễn Việt