Nhiều doanh nghiệp nhựa tiếp tục hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu giảm trong quý III

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 28 Tháng Mười 2020 08:23:00

Giá hạt nhựa PVC giảm vào cuối quý II và đầu quý III nhưng đến nay đã tăng trở lại mức bình quân năm 2019.

Ngành nhựa Việt Nam thu hút nhiều nhà sản xuất mới trong giai đoạn 2015-2018 khiến cho tổng công suất vượt 1,8 đến 2 lần nhu cầu thị trường, dẫn đến cuộc chiến về giá tranh giành thị phần. Do vậy, nhiều doanh nghiệp lớn như Nhựa Bình Minh, Nhựa Đông Á, Nhựa Tân Tiến… lợi nhuận giảm hoặc chững lại 3 năm gần đây. 

doanh-nghiep-nhua1-7918-1603814215.png

Đơn vị: tỷ đồng

Bước sang năm 2020, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh lao đao. Tuy nhiên do biên lợi nhuận thấp, nhiều doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi bởi giá nguyên liệu đầu vào thấp thúc đẩy lợi nhuận. Tính đến quý III, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn còn được hưởng lợi lớn từ đà giảm của giá nguyên liệu. 

Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) cho biết giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế quý III tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp công bố doanh thu hợp nhất quý III đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn chỉ tăng 26% nên lãi gộp tăng 68%. Biên lãi gộp tăng từ 28,2% lên 34,3%. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của NTP đạt 138 tỷ đồng, tăng 68% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp nhựa miền Bắc ghi nhận 342 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 14%.

nhua-ntp-3506-1603814215.png

Đơn vị: tỷ đồng

Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) chưa công bố BCTC quý III nhưng theo tiết lộ của ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng giám đốc công ty thì doanh thu và lợi nhuận quý III vẫn rất khả quan nhờ vào việc cuối quý II và đầu quý III, giá nguyên liệu rơi đột ngột. Chi phí nguyên liệu chiếm đến 65% giá thành doanh nghiệp nên bất kỳ sự tăng, giảm giá nào cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận.

Cụ thể, công ty nhựa miền Nam ước doanh thu thuần quý III đạt 1.130 tỷ đồng, tăng 5,7%; lãi sau thuế 153 tỷ đồng, tăng 27,8%. Lũy kế 9 tháng doanh thu ước đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế đạt 514 tỷ và lợi nhuận sau thuế 412 tỷ, cùng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 73% sản lượng, 74% doanh thu và 88% lợi nhuận.

nhua-bmp-8762-1603814491.png

Đơn vị: tỷ đồng

Nhựa Việt Nam (UPCoM: VNP) ghi nhận doanh thu quý III tăng đến 57,5% đạt 52 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 20% lên 10,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu doanh nghiệp tương đương cùng kỳ năm trước ở mức 99 tỷ đồng, lãi gấp gần 3 lần lên 26,4 tỷ đồng.

Bên cạnh doanh thu tăng thì phần lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh cũng góp phần vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Nhựa Việt Nam. Cụ thể, hoạt động liên doanh, liên kết đem về 13 tỷ đồng quý III, gấp đôi cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đạt 36,4 tỷ đồng, gần gấp 3 lần.

Doanh nghiệp có 3 doanh nghiệp liên kết gồm Nhựa Vân Đồn sản xuất sản phẩm nhựa, Việt Thái Plastchem sản xuất hạt nhựa PVC, Nhựa và Hóa chất TPC Vina sản xuất bột nhựa PVC.

Công ty Bao bì Nhựa Tân Tiến (UPCoM: TTP) báo cáo doanh thu quý III giảm nhẹ 4% xuống 438 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 6% lên 34,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm nhẹ từ 1275 tỷ xuống 1.272 tỷ đồng, biên lãi gộp cải thiện đã giúp lợi nhuận đạt 103 tỷ đồng, tăng 51,5%.

Tuy nhiên, nguyên liệu nhựa có dấu hiệu tăng trở lại. Theo báo cáo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá hạt nhựa PVC hồi phục từ mức thấp kỷ lục là 630 USD/tấn vào tháng 4 lên mức 790 USD/tấn và đi ngang trong tháng 8. Đến nay, giá nguyên liệu này đã tăng lên vùng giá 840-850 USD/tấn, tương đương mức bình quân năm 2019.

nhua-gia-2785-1603814216.png

Trong bối cảnh cung lớn hơn cầu tiếp diễn khiến doanh nghiệp nhựa khó tăng giá bán thì lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho nguyên vật liệu tích trữ trong vùng giá thấp. 

Lãnh đạo Nhựa Bình Minh chia sẻ trong cuộc họp trực tuyến với giới phân tích gần đây về lo ngại lợi nhuận bị ảnh hưởng trong quý IV do giá nguyên liệu phục hồi trở lại. 

Trong khi đó, theo BCTC hợp nhất quý III, tại thời điểm 30/9, Nhựa Tiền Phong có 640,2 tỷ đồng nguyên vật liệu, tăng 14,3% so với đầu năm nhưng giảm 25,4% so với cuối quý II. Nhựa Tân Tiến cũng giảm nhẹ lượng hàng tồn kho so với đầu năm xuống 144,7 tỷ đồng và giảm 14% so với cuối quý II.

Ngọc Điểm