Nghịch lý SaigonBank

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 26 Tháng Mười 2020 13:55:00

Dù không có gì nổi trội hơn so với các ngân hàng “chiếu dưới”, nhưng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, UPCoM: SGB) chào sàn với định giá quá cao.

Niêm yết UPCoM với giá chào sàn 25.800đ/cp, cổ phiếu SGB đã đảo chiều giảm 40% sau khi chào sàn.

 Thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế của SaigonBank.

Thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế của SaigonBank.

Định giá quá cao

Thử so sánh SaigonBank với những ngân hàng “chiếu dưới”, đã niêm yết tại UPCoM như VietCapital Bank, KienlongBank, AnBinhBank, PGBank…, có thể thấy các chỉ số của SaigonBank không có gì nổi trội hơn, thậm chí còn nhiều chỉ số thấp hơn xét cả về quy mô lẫn hiệu quả hoạt động. Thế nhưng, các ngân hàng đó lại có giá cổ phiếu chào sàn khá khiêm tốn hoặc thị giá hiện tại cũng thấp hơn rất nhiều so với định giá chào sàn của SGB.

Chẳng hạn như VietCapital Bank, ngân hàng này có vốn điều lệ cao hơn một chút so với SaigonBank (3.171 tỷ đồng so với 3.080 tỷ đồng), tổng tài sản xếp dưới cùng trong 35 ngân hàng TMCP. Lợi nhuận trước thuế 2019 của SaigonBank cao hơn so với VietCapital Bank, đạt 144 tỷ đồng so với 126 tỷ đồng, CAR cao hơn hẳn so với VietCapital Bank ở 14,26% trong khi SaigonBank chỉ 8,5%. Song CAR của SaigonBank xếp không theo Basel II do ngân hàng chưa đạt chuẩn này.

Trong khi đó, giá chào sàn của BVB trước SGB vài tháng, chỉ 10.700đ/cp. Ngay cả “đỉnh giá” của BVB được thiết lập sau chào sàn, cũng chưa thể chạm tới “gấu áo” SGB ở giá khởi điểm ra mắt. Việc cổ phiếu SGB giảm sâu sau chào sàn và về chỉ còn gần 1/2 thị giá ban đầu, vì vậy cũng nằm trong dự báo của giới đầu tư, bất chấp cổ phiếu nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục tăng khá mạnh so với toàn thị trường thời gian qua.

Nguy cơ cổ phiếu giảm tiếp

Một lực đẩy khiến cổ phiếu SGB tiếp tục giảm về đáy, là ngay cả những nhà lãnh đạo SaigonBank, cũng xem cơ hội có mặt ở UPCoM là thời điểm bán cổ phiếu này.

Ngay sau khi lên sàn ngày 15/10 vừa qua, SaigonBank đã công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, dự kiến thực hiện từ ngày 15/10-15/11/2020. Người giao dịch đăng ký bán là ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Tổng Giám đốc SaigonBank với toàn bộ số lượng sở hữu gần 248.000 cổ phiếu SGB và ông Phạm Hoàng Hồng Thịnh – Phó Tổng Giám đốc SaigonBank cũng đăng ký bán toàn bộ số lượng sở hữu gần 107.000 cổ phiếu SGB. Trước đó, ông Thịnh đã đăng ký bán số cổ phiếu trên trong thời gian từ 24/7-24/8 nhưng không thành công.

Việc Lãnh đạo đăng ký bán cổ phiếu (thường có giá tích cực so với giá sổ sách) ngay sau khi SaigonBank lên sàn cũng không phải là chuyện gì to tát. Tuy nhiên với trường hợp SGB thì câu chuyện không dừng lại ở đó. Một trong những lợi thế của SGB được đánh giá là “bản sắc” của một ngân hàng có vốn Nhà nước (Thành ủy HCM) và các công ty có vốn Nhà nước, trong đó có cả Vietinbank và Vietcombank. Ở một khía cạnh khác, đây lại cũng là “gót Achilles” của chính SaigonBank khi phải ra thương trường cạnh tranh và các nhà quản lý điều hành “gốc” Nhà nước lại không cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Điều này có vẻ nghịch lý khi trước đó, SaigonBank công bố lãi 6 tháng đột biến, đã hoàn thành tới 96% kế hoạch năm 2020, dù rằng ngân hàng này đã điều chỉnh chỉ tiêu giảm hơn 28% so với năm liền trước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc định vị để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng nhỏ, không riêng gì SaigonBank, cũng đang có những khuyết thiếu và quanh quẩn ở các khu vực cho vay như bất động sản..., sẽ gây khó khăn cho đường dài của chính các tổ chức.

Với những diễn biến như trên, nhiều khả năng cổ phiếu SGB sẽ tiếp tục giảm sâu, về đúng định giá của mình trong thời gian tới, nhất là khi cổ phiếu SGB lại đang bị chi phối dàn đều trong tay nhiều tổ chức, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng không cao.

Lê Mỹ