Gian nan cạnh tranh giao nhận

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 21 Tháng Tám 2017 15:47:00

Thị trường giao nhận đang trở thành “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp (DN) logistics. Tuy nhiên, việc hàng trăm DN giao nhận, từ các “ông lớn” đến start-up đồng loạt nhảy vào cuộc đua giành thị phần khiến thị trường giao nhận ngày càng trở nên khốc liệt.

Thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, tỷ lệ thanh toán trực tuyến hiện vào khoảng 8 – 15%, trong khi mảng giao hàng – nhận tiền (Cash On Delivery – COD) chiếm tới 85 – 90%.

Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng “nóng” với tốc độ 150% và dự kiến đạt 10 tỷ USD trước năm 2022, dịch vụ giao nhận đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho đầu tư.

Đua tranh thị phần

Ngày 17/7, Deutsche Post DHL, một tên tuổi chuyển phát nhanh toàn cầu, tuyên bố tham gia vào thị trường vận chuyển B2C nội địa tại Việt Nam, với đại diện DHL eCommerce.

Dịch vụ của DHL sẽ vận chuyển hàng đến các điểm trong khu vực Tp.HCM, Hà Nội và những tỉnh, thành trung tâm trong thời gian 1 – 2 ngày kèm theo các dịch vụ như thu tiền hộ, mở hộp kiểm tra…

Trước DHL, các đại gia có thị phần hàng đầu trong thị trường chuyển phát như VNPost, Viettel Post, Kerry TTC hay Giao hàng nhanh… cũng đã tích cực hoạt động với những giải pháp dịch vụ dành riêng cho TMĐT.

Viettel Post (Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) với mạng lưới tại 713/713 quận, huyện và đội ngũ giao nhận khoảng 4.000 người trên toàn quốc, đang tỏ thế áp đảo trên thị trường.

Ông Hoàng Quốc Anh, Tổng Giám đốc Viettel Post, cho biết, từ năm 2014, công ty đã đầu tư mạnh vào kho bãi, đội ngũ giao nhận, giám sát hành trình giao nhận… nhằm đón đầu sự phát triển của TMĐT.

VNPost (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) trước đây vốn chỉ tập trung vào nhóm khách hàng chuyển phát bưu chính nhưng nay đã chuyển hướng sang cả các DN TMĐT.

Với hệ thống hoạt động toàn quốc, cùng 18.000 bưu tá và nhân viên phát xã, VNPost tung ra giải pháp toàn diện cho các cửa hàng online, từ quảng cáo, chuyển phát, thu tiền đến hậu mãi.

Chỉ mới thành lập từ năm 2012, Giao hàng nhanh đang trở thành một tên tuổi đáng gờm trên thị trường giao nhận. Đến nay, công ty này đã có 86 điểm gửi hàng, phủ kín gần như cả nước với chính sách “đền bù bất kể lý do” để cạnh tranh.

Bên cạnh các “ông lớn” giao nhận truyền thống, các thế lực giao hàng nhanh ứng dụng công nghệ cũng sớm xuất hiện như Grab, Uber, sShip, Sapo… Cụ thể như Grap Express, với lợi thế ứng dụng di động trong vận chuyển, đang chớp cơ hội tại phân khúc giao nhận với giá 15.000 đồng cho 5km đầu (trong nội thành Tp.HCM), kèm dịch vụ thu tiền hộ miễn phí và thời gian giao hàng dưới một giờ.

Hàng loạt start-up cũng đang nhảy vào tham chiến trong lĩnh vực này. Chỉ trong ba năm trở lại đây, có thể kể ra rất nhiều cái tên “đang lên” như ShipS, AhaMove, Bagasus, giaohangso1.vn, tochanh.vn, giaohangonline Rồng Xanh, Zozoship.vn…

Anh Nguyễn Minh Trí, một “tay ngang” khởi nghiệp với dịch vụ giao hàng, chia sẻ: “Cạnh tranh khốc liệt nhưng các shop online giờ mọc lên như nấm nên cơ hội vẫn rộng mở. Tốc độ tăng trưởng đơn hàng của chúng tôi hiện tại vào khoảng 30 – 50%/tháng. Nếu đầu tư tốt vào nhân sự (đội sale) và marketing, tăng trưởng 100 – 300% là trong tầm tay”, anh Trí nói.

Thành bại ở tốc độ

Thị trường giao nhận, vốn chỉ có khoảng 5 – 6 công ty tham gia vào năm 2013, đến nay đã có hơn 60 DN lớn, nhỏ tham gia. Để giành lợi thế trong cuộc đua đường trường, các DN cần có chiến lược nhằm đẩy nhanh tốc độ giao hàng và chất lượng dịch vụ.

Kết quả khảo sát về các giải pháp vận chuyển thương mại của Temando cho thấy, 80% khách hàng muốn được vận chuyển hàng mua trong ngày. Trong đó, 61% còn muốn tốc độ nhanh hơn. Thời gian “lý tưởng” theo mong muốn của khách hàng là giao hàng trong vòng 1 – 3 giờ từ lúc đặt hàng.

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn – Giám đốc điều hành Tiki.vn, cái khó của TMĐT là công nghệ, kho bãi, nhân sự có kinh nghiệm. Chỉ công ty nào làm tốt các “mảnh ghép” này mới đủ sức cạnh tranh. Giao hàng càng nhanh lợi thế càng lớn. Vấn đề là làm sao để việc giao hàng vừa nhanh nhất mà chi phí hợp lý nhất.

“Nhằm giải được “bài toán” này, Tiki đang nỗ lực về mặt công nghệ để có những thuật toán giúp dự báo chính xác nhu cầu khách hàng cần gì, bao nhiêu và ở đâu. Từ đó, hàng hóa được sắp ở đúng vị trí kho bãi và khách hàng chỉ cần đặt là có ngay”, ông Sơn cho hay.

Ông Thomas Harris – Giám đốc điều hành DHL eCommerce Việt Nam, cũng cho rằng giao hàng nhanh và dịch vụ thu hộ tiền khi giao hàng sẽ là yếu tố quyết định thành bại của DN giao nhận. Vì vậy, DHL eCommerce đã đưa ra dịch vụ vận chuyển được thiết kế phù hợp với các DN kinh doanh trực tuyến trong thời gian nhanh nhất.

Về phía DN TMĐT, ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam, khẳng định Lazada đặc biệt chú trọng dịch vụ giao hàng nhanh, nhất là giao hàng nhanh trong ngày. Đây là điều kiện để các đơn vị giao hàng nhanh trở thành đối tác giao hàng của Lazada.

Tốc độ là sống còn, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường giao nhận TMĐT không chỉ là nhanh mà còn ở chất lượng dịch vụ, đòi hỏi các DN giao nhận cần tập trung đào tạo đội ngũ giao nhận chuyên nghiệp, trình độ cao, để đem lại dịch vụ khác biệt làm hài lòng khách hàng.

Hiến Nguyễn