Không dễ dàng trong hoạt động kinh doanh nửa đầu năm, nhưng Viettronics Tân Bình đã hồi phục với cú bật mạnh mẽ trong quý III giúp tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đạt tới 40% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong quý III đã kéo doanh thu và lợi nhuận của Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình đảo ngược tình hình và nhanh chóng vượt kế hoạch lợi nhuận chỉ sau ¾ năm.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, doanh thu hợp nhất quý III của công ty đạt 136,6 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Dù biên lãi gộp giảm nhẹ, chi phí bán hàng cũng nhích tăng gần 9%, lợi nhuận trước thuế của Viettronics Tân Bình vẫn cao gấp 3,6 lần cùng kỳ, tăng từ 3,5 tỷ đồng lên 12,5 tỷ đồng. Khoản lãi này đóng góp quá nửa lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm. Sau hai quý đầu suy giảm, công ty lấy lại mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 6,2% và 40%. Lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 22,6 tỷ đồng, vượt con só kế hoạch 20 tỷ đồng đề ra trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 6/2020.
Viettronics Tân Bình tiền thân là một xưởng sản xuất nhỏ được thành lập vào năm 1973 của Công ty Sony, sau đó trải qua các giai đoạn phát triển từ chế tạo tụ xoay, sản xuất mạch in đến khi bắt tay xây dựng thương hiệu riêng với các sản phẩm tivi màu từ năm 2000 và sau này là các sản phẩm audio, máy tính xách tay, điện lạnh dân dụng… Hiện các dòng sản phẩm chính của VTB là tivi với thương hiệu VTB, Sansui và loa, amply, đầu karaoke thương hiệu VTB. Ứng phó với biến cố dịch Covid-19, Viettronics Tân Bình cũng là một trong các doanh nghiệp sản xuất , nhập về dây chuyền sản xuất khẩu trang với vốn đầu tư không quá 3 tỷ đồng để đa dạng hóa các sản phẩm kinh doanh.
Giải thích về mức tăng trưởng cao đặc biệt trong riêng quý III,doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ lợi nhuận của công ty thành viên tăng mạnh, cùng đó, khoản lãi công ty mẹ thu về cũng tăng.
Đến cuối quý III/2020, giá trị tổng tài sản của Viettronics Tân Bình đạt 346 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 215 tỷ đồng, chiếm 62% nguồn vốn. Vốn tín dụng ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, còn lại phần lớn nguồn vốn vay khác là là công nợ với người bán hoặc người mua trả tiền trước. Các khoản phải thu khách hàng cũng tăng khá nhanh trong giai đoạn này, từ 33 tỷ đồng cuối năm trước lên hơn 61 tỷ đồng vào ngày 30/9. Việc chấp nhận bán chịu nhiều hơn cũng khiến lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng có sẵn của công ty bị thu hẹp. Dù vậy, cân đối giữa các khoản thu chi, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của của hãng vẫn ở trạng thái dương.