Tổng giá trị hợp đồng mới ký kết trong 9 tháng đầu 2020 đạt 4.260 tỷ đồng.
Theo tài liệu tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích sáng 24/9, CTCP Fecon (HoSE: FCN) ước tính doanh thu quý III đạt 1.000 tỷ đồng, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 42%. Ước tính 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.190 tỷ đồng, tăng 21% nhưng lợi nhuận giảm 60%, đạt 86 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Fecon cho biết kết quả này dù cải thiện so với 2 quý trước và cùng kỳ nhưng chưa đạt được kỳ vọng của ban lãnh đạo. Công ty sẽ phấn đấu lợi nhuận 9 tháng đạt khoảng 100 tỷ đồng.
Theo ông Thanh, kết quả kinh doanh quý IV thường sẽ chiếm 40% cả năm, do đó ban lãnh đạo tin tưởng có thể hoàn thành kế hoạch năm với doanh thu 4.000 tỷ đồng.
Trong 9 tháng, giá trị hợp đồng ký mới của Fecon đạt 4.260 tỷ đồng và có 500 tỷ đồng chuyển tiếp (backlog) từ năm 2019.
Doanh nghiệp này đang thi công một số dự án công trình ngầm, cơ sở hạ tầng như Metro line 3 tại Hà Nội, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, cầu Bago Myanamar, Khu đô thị Hoa sen Đại Phước…
Trong thời gian tới, Fecon sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án xây dựng hạ tầng công nghiệp và năng lượng sạch. Doanh nghiệp này trúng thầu một loạt dự án điện gió tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Hòa Lạc… Theo công bố, Fecon dự kiến ký kết hợp đồng các dự án nền móng và xây dựng công nghiệp với tổng giá trị 16.400 tỷ đồng, hợp đồng các dự án công trình ngầm hơn 6.200 tỷ đồng.
Fecon trực tiếp đầu tư nhiều dự án năng lượng và hạ tầng. Ảnh: Fecon. |
Với các dự án trực tiếp đầu tư, Fecon lên kế hoạch sẽ tham gia một phần dự án cao tốc Bắc-Nam với tổng mức đầu tư gần 19.000 tỷ đồng, dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Nội Bài, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Doanh nghiệp này cũng sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án điện mặt trời tại Bình Phước và điện gió tại Sóc Trăng, Gia Lai.
Giai đoạn 2020-2025, công ty dự kiến sẽ tăng trưởng doanh thu và lơi nhuận sau thuế bình quân lần lượt là 20%/năm và 35%/năm. Đến cuối năm 2025, doanh thu thuần mục tiêu đạt 391 triệu USD và lợi nhuận sau thuế 38,6 triệu USD.
Về kế hoạch tăng vốn, công ty được cổ đông thông qua phát hành 32 triệu cổ phiếu tại phiên họp thường niên. Fecon đã tiến hành tìm và làm việc với China HarBour Engineering (CHEC), doanh nghiệp Trung Quốc có ngành nghề tương đồng với Fecon như hạ tầng, năng lượng, cầu cảng và bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ triển khai tăng vốn không như kỳ vọng. Fecon đã chủ động dừng đàm phán và tìm kiếm đối tác khác. Công ty đang làm việc với 3-4 nhà đầu tư Nhật Bản nhưng vẫn chưa thể tiếp xúc trực tiếp. Thời gian hoàn thành tăng vốn có thể chuyển sang năm sau.
Lê Hải