Đạm Hà Bắc lỗ... "có hệ thống"

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 24 Tháng Tám 2020 08:41:00

Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) lỗ sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm gần 693 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với giai đoạn cùng kỳ 2019.

Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) lỗ sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm gần 693 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với giai đoạn cùng kỳ 2019.

Trong báo cáo tài chính quý II/2020, DHB cho biết, doanh thu giảm 6,7% xuống còn 1.487 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp nửa đầu năm âm 136 tỷ đồng. Như vậy, từ 2015 đến nay Đạm Hà Bắc liên tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, với số lỗ tổng cộng 3.980 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 1.209 tỷ đồng. 

Đánh giá về tình hình kinh doanh, lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn, ăn mòn tới 30% tổng doanh thu. Nửa đầu năm 2020, Đạm Hà Bắc phải trả lãi vay 440 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Tính bình quân, mỗi ngày doanh nghiệp phải trả 2,4 tỷ đồng tiền lãi.

Đến hết ngày 30/6, Đạm Hà Bắc đang có khoản nợ vay tài chính hơn 7.450 tỷ đồng, trong đó 3.769 tỷ đồng là vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. Với lãi suất vay vốn bình quân là 10,78%/năm.

Tuy nhiên, Đạm Hà Bắc đang phải chịu lãi phạt trên số tiền chậm trả bằng gấp rưỡi lãi suất trong hạn, có khoản vay với lãi phạt 18%/năm. Cũng để tài trợ cho dự án này, Đạm Hà Bắc vay 222 triệu USD với lãi suất 5,5%/năm tại VietinBank năm 2010.

Đây cũng chính là dự án được nhắc đến trong kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua. Dự án đầu tư cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc được cho là có nhiều sai phạm và đang thua lỗ hơn 2.800 tỷ đồng.

Khi triển khai dự án, tỷ lệ vốn tự có của Đạm Hà Bắc chỉ chiếm gần 18%, còn lại chủ yếu là vốn vay, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.

Bên cạnh đó, việc tăng tổng mức đầu tư dự án thêm 176,271 triệu USD, lên 568 triệu USD (khoảng 12.500 tỷ đồng) là thiếu căn cứ, khiến Đạm Hà Bắc mất cân bằng dòng tiền. 

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. 

Việc điều tra nhằm làm rõ những vi phạm trong tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án và sự thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án. 

Về đầu tư tài chính, cổ phần hóa, theo Thanh tra Chính phủ, việc Tập đoàn Hóa chất quyết định tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Công ty Đạm Hà Bắc 97,66% là trái với chỉ đạo của Thủ tướng khi tiến hành cổ phần hóa (chỉ được sở hữu từ trên 50% đến dưới 65%).

Về quản lý tài sản, vốn và nguồn vốn, từ năm 2015, Công ty Đạm Hà Bắc thua lỗ không bảo toàn được nguồn vốn sở hữu. Đến hết năm 2016, tổng số nợ phải trả và vay ngân hàng của công ty chiếm 89,7% tổng tài sản và gấp 8,7 lần vốn chủ sở hữu. Công ty mất cân đối dòng tiền, khó khăn về tài chính, nợ quá hạn ngân hàng.

Trong khi đó, công ty này cũng gặp nhiều vấn đề về quản lý công nợ bán hàng, chưa quy định cụ thể tỷ lệ, hạn mức công nợ, chưa quy định thời gian thanh toán và phạt chậm thanh toán... một số khoản chi phí liên quan đến hợp đồng EPC chưa được giải quyết dứt điểm.

Vẫn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trước năm 2015, Công ty Đạm Hà Bắc hoạt động có lãi. Nhưng từ khi triển khai dự án mở rộng thì lâm vào sa sút nghiêm trọng.

Cụ thể, năm 2015, khoản lỗ khoảng 670 triệu đồng song đến năm 2017, con số này đã lên tới 661,645 tỷ đồng. Năm 2018, Công ty đạm Hà Bắc tiếp tục lỗ 332,544 tỷ đồng, năm 2019 là 222,344 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 6/2019 là 2.887,7 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm nói trên của Công ty Đạm Hà Bắc, trước hết thuộc về các thành viên trong Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban điều hành tại Công ty Đạm Hà Bắc vàTổng Công ty hóa chất Việt Nam. 

Nguyễn Việt