Doanh nghiệp chế biến thực phẩm muốn liên kết xây dựng vùng nguyên liệu liệu trong nước nhằm tự chủ sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắc khe trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho việc này vẫn còn những “khúc mắc” với họ.
Dù gặp không ít tác động từ dịch Covid-19, nhưng trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu trong thời gian qua thì đang có những dự báo tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm ở Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2020 vẫn có thể giữ được đà tăng trưởng.
Bất cập cơ chế hỗ trợ
Và dù ở trong nước có lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất phong phú, đa dạng, thế nhưng trước nhu cầu của thị trường và duy trì sức tăng trưởng trước thách thức của dịch bệnh thì các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm hầu như chưa thể yên tâm với việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho biết để tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm gia tăng xuất khẩu thực phẩm Việt vào thị trường EU thì một trong những thách thức lớn cho các DN chế biến thực phẩm hiện nay là làm sao để có nguồn nguyên liệu sạch hoặc nguồn nguyên liệu hữu cơ (organic).
Điều này đòi hỏi các DN cần có các các khu trồng nguyên liệu hoặc là liên kết với vùng nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, đây lại vấn đề “khúc mắc” với các DN chế biến thực phẩm ở Tp.HCM.
Bởi lẽ, theo ông Hiến, quỹ đất cho việc xây dựng vùng nguyên liệu ở Tp.HCM gần như cạn kiệt. Do đó, các DN cần phải đi ra các tỉnh bên ngoài thành phố để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.
Vị phó chủ tịch FFA bày tỏ mong muốn Tp.HCM cần có chính sách hỗ trợ để các DN thực phẩm ở thành phố liên kết với vùng nguyên liệu. Bởi thực tế, Tp.HCM hiện đang hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN vay vốn để đầu tư vào các vùng nguyên liệu nhưng chỉ trong phạm vi thành phố.
“Nếu như vùng nguyên liệu đó nằm ở tỉnh, bên ngoài Tp.HCM, thì những ưu đãi hỗ trợ về vốn vay như trên xem như không được đáp ứng cho DN. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền Tp.HCM xem lại cơ chế giúp đỡ cho DN triển khai vùng nguyên liệu”, ông Hiến nói.
Thực ra, Tp.HCM cũng đã thấy nhu cầu đẩy mạnh đầu tư sản xuất ở các DN trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm - một trong 4 ngành phát triển chủ lực của thành phố, nên có đưa ra chính sách hỗ trợ mức vốn đầu tư lên đến hơn 200 tỷ đồng trong thời hạn 7 năm, với lãi suất hỗ trợ 7%.
Mặc dù vậy, như chia sẻ của ông Hiến thì có thể thấy việc tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi này đối với các DN không phải đơn giản. Và đó cũng là “khúc mắc” mà Tp.HCM cần tháo gỡ.
Cần tháo gỡ các “khúc mắc”
Ở đây, cần xác định rõ tại sao DN phải được hỗ trợ để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ? Ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng nếu có vùng nguyên liệu thì khi đó DN thực phẩm mới có thể chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.
Chẳng hạn, nếu DN không liên kết với các nhà trồng trọt thì sẽ không thể kiểm soát được chất liệu, xuất xứ của nguyên liệu đó. Hơn nữa, khi đã có được vùng nguyên liệu thì DN có thể ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm nông sản thực phẩm có giá trị gia tăng cao.
Gần đây nhất, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu nông thủy hải sản, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ưu đãi về thuế, đất, vốn vay đầu tư…để thu hút DN ngành chế biến nông, thủy, hải sản đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Điều này được kỳ vọng sẽ là thúc đẩy ngành chế biến thực phẩm ở Việt Nam được phát triển tốt hơn trong thời gian tới, nhất là tận dụng các hiệp định thương mại tự do để gia tăng XK thực phẩm Việt.
Còn hiện tại, những đánh giá từ các chuyên gia quốc tế cho thấy do Việt Nam có ít dự án đầu tư vào vùng nguyên liệu nên các ngành hỗ trợ cho chế biến thực phẩm ở Việt Nam như trồng trọt, chăn nuôi chưa được phát triển theo mô hình hiện đại, đạt tiêu chuẩn.
Trên thực tế, có hai khó khăn lớn của các DN chế biến thực phẩm ở Việt Nam. Thứ nhất là nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm trong nước còn thiếu và không ổn định.
Thứ hai là nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn đến việc các DN không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như lưu ý của Ngân hàng Thế giới (WB), nhập khẩu nông nghiệp của Việt Nam tăng mạnh một số năm gần đây. Trong đó, có nguyên nhân do nguyên liệu mà năng lực sản xuất trong nước không theo kịp năng lực chế biến (ví dụ hạt điều và tôm trong những năm có dịch bệnh).
Hoặc do các sản phẩm mà sản xuất trong nước không theo kịp nhu cầu (ví dụ sữa, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi) và thực phẩm hay đồ uống mà người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng phải đa dạng và chất lượng cao hơn.
Giám đốc nghiên cứu phát triển (R&D) của một DN chế biến thực phẩm ở Tp.HCM cho rằng nếu các DN không có hoặc không liên kết được với vùng nguyên liệu trong nước thì họ sẽ thường xuyên đối mặt với nguồn nguyên liệu không ổn định về giá cả, số lượng, chất lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất kinh doanh của các DN sản xuất thực phẩm.
Đây cũng là điều mà Nhà nước cần lưu tâm tháo gỡ các “khúc mắc” để vùng nguyên liệu trong nước trở thành “hậu phương” vững chắc cho các DN chế biến thực phẩm.
Thế Vinh