Covid-19 như “cơn bão” bất ngờ ập đến, cuốn đi lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc ngành hàng xuất khẩu mang về vài chục tỷ USD doanh thu mỗi năm.
Kinh doanh ảm đạm
Các doanh nghiệp ngành dệt may đang lần lượt công bố kết quả sản xuất - kinh doanh ảm đạm sau nửa đầu năm 2020. Nguyên nhân chính khiến các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp đều không hoàn thành kế hoạch và giảm so với cùng kỳ là Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, toàn bộ đơn hàng tháng 3, 4, 5 bị giãn thời gian giao.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG vừa công bố, quý II/2020, Công ty đạt 1.066,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TNG đạt 1.840 tỷ đồng doanh thu, giảm 10%; lợi nhuận sau thuế đạt 65,7 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, so với kế hoạch cả năm (doanh thu 4.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 230 tỷ đồng), TNG mới hoàn thành 40% mục tiêu về doanh thu và 28,6% mục tiêu về lợi nhuận.
Với quy mô xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) cũng không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19. Dù đã xoay mọi cách, trong đó việc sản xuất các sản phẩm khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân) giúp các cơ sở của Tập đoàn chưa lâm vào tình trạng thiếu việc làm trầm trọng, nhưng tổng doanh thu hợp nhất của VGT ước giảm 15%, lợi nhuận hợp nhất giảm trên 25% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc VGT cho biết, mức sụt giảm này khả quan hơn dự báo.
Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không như ý muốn, dù lợi nhuận mà Công ty đạt được là con số đáng mơ đối với các doanh nghiệp trong ngành. 6 tháng đầu năm 2020, TCM ghi nhận doanh thu khoảng 1.685 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch và giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ; lợi nhuận ước đạt 108.7 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019.
Một doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần May Sông Hồng cũng đang oằn mình với khó khăn, bởi đối tác lớn tại Mỹ là RTW Retalwinds đã đệ đơn phá sản. Đây là khách hàng truyền thống của May Sông Hồng và đang có khoản nợ với Công ty lên tới 166 tỷ đồng. Các đơn hàng từ RTW Retalwinds (thông qua thương hiệu New York & Co) năm 2019 đóng góp 13% tổng doanh thu của May Sông Hồng. Sự cố này chắc chắn khiến kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm nay của Công ty bị kéo xuống.
Áp lực cuối năm
Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 16 tỷ USD, giảm sâu so với mức 18,34 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Kết quả này có được là do các doanh nghiệp dệt may vẫn còn một nguồn hàng là các sản phẩm khẩu trang và PPE. Với đơn giá thời gian đầu, việc xuất khẩu các sản phẩm này tương đối hiệu quả, nhưng tình hình sẽ khác rất nhiều trong các tháng cuối năm. Cụ thể, thị trường xuất khẩu có nguy cơ giảm 30-40% so với năm trước, giá bán chịu áp lực giảm, thời gian thanh toán kéo dài, áp lực dòng tiền lớn hơn.
Liên đoàn Dệt may quốc tế (ITMF) đã thực hiện một cuộc khảo sát khoảng 700 công ty dệt may trên toàn cầu. Kết quả cho thấy, các đơn hàng trên toàn cầu giảm trung bình 31%, doanh thu trung bình năm 2020 dự báo giảm khoảng 28%... Khoảng 959 nhà máy ở Bangladesh cho biết, do Covid-19 mà lượng đơn hàng xuất khẩu may mặc, với số lượng 826,42 triệu chiếc, tương đương 2,67 tỷ USD, đã bị hoãn, hủy, đẩy nhiều doanh nghiệp vào trạng thái “sống dở chết dở”.
Với kịch bản dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2020, ước tổng nhập khẩu dệt may thế giới chỉ đạt ngưỡng 600 - 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với mức 755 tỷ USD của năm 2019. Dự kiến từ quý III/2021, tiêu thụ mới có khả năng hồi phục mức bình thường. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào sự kiểm soát bệnh dịch, cũng như việc mở cửa trở lại các cửa hàng tại các quốc gia nhập khẩu lớn.
Thế Hải