Cổ đông của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn thể hiện rõ quyết tâm không dừng lại trong vụ đấu tranh làm rõ dự toán đầu tư Dự án Bến số 1 Cảng Quy Nhơn.
Tháng 6/2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã tiếp nhận lại 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn từ Công ty cổ phần Khoáng sản Hợp Thành. Sau vụ chuyển giao ồn ào do các sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông của Cảng Quy Nhơn khá phức tạp.
Ngoài cổ đông Nhà nước nắm chi phối, nhóm Hợp Thành nắm khoảng 5%, còn lại phân tán trong người lao động, nhóm đối tác của doanh nghiệp, nhóm nhà đầu tư ở Sài Gòn.
Liên tục gần đây, cổ đông Nguyễn Hoàng Hải và Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản đến các cơ quan quản lý nhà nước, phản ánh những dấu hiệu bất thường trong lập dự toán tổng mức đầu tư Dự án cải tạo nâng cấp Bến số 1 Cảng Quy Nhơn.
Nghi ngại về tổng mức đầu tư
Theo đơn thư của VAFI, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã đề xuất thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp Bến 1 (dài 350 m) nhằm đưa tàu trọng tải lớn 30.000 DWT vào khai thác.
Tổng mức đầu tư được dự toán tới 497 tỷ đồng (gồm cải tạo nâng cấp cầu bến và nạo vét vùng nước trước bến, không tính đầu tư máy móc thiết bị). Dự toán này do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) - Vinalines chiếm 49% vốn điều lệ - xây dựng.
Cho rằng đây là dự án rất cấp bách, Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn đã triệu tập Ðại hội cổ đông bất thường vào tháng 2/2020 để trình cổ đông thông qua.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu một số dự án tương tự, cổ đông nhỏ lẻ của Công ty không khỏi bất ngờ bởi suất đầu tư CMB đưa ra cao chót vót.
Ðơn cử, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) xây dựng cảng mới (Cảng VIP Greenport) tại Hải Phòng có quy mô 15 ha, chiều dài cầu tầu 400 m, phần xây dựng hạ tầng gồm san lấp tiếp mặt bằng, làm cầu tầu 400 X 24, làm bãi, làm kho, đường điện, cấp nước, văn phòng… chỉ hết 392 tỷ đồng.
Cổ đông đã gửi thư, gặp trực tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn, Phó tổng giám đốc CMB để yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung phần thuyết minh tính toán tổng vốn đầu tư, lấy số liệu thực tế về suất đầu tư đã thực hiện xây dựng cầu tầu, xây dựng cảng mới tại các công ty tư nhân có trình độ quản trị tốt như Gemadept, Viconship, Hòa Phát Dung Quất, Cảng biển Nghi Sơn… để cổ đông xem xét và giám sát việc triển khai xây dựng giá thầu thực tế sau này.
Tuy nhiên, họ cho biết, tất cả các đề nghị này đều không được CMB và Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn thực hiện.
VAFI cho rằng, suất đầu tư dự án quá cao so với giá thị trường và yêu cầu làm rõ nhiều con số bất thường.
Cụ thể, đơn giá cọc bê tông CMB đưa ra là 3.215.751 đồng/m3, trong khi báo giá của Bê tông Minh Ðức, một trong các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này là 1.925.000 đồng/m3, thấp hơn 40%.
Nếu tính theo báo giá của Bê tông Minh Ðức, trị giá của 33.880 tấn cọc dự kiến được sử dụng cho Dự án cải tạo Bến số 1 sẽ giảm được 43,5 tỷ đồng so với dự toán CMB lập (là 108,9 tỷ đồng).
Tương tự là những nghi vấn về giá thép do CMB lập. Ví dụ, thép tấm các loại dùng làm mối cọc có giá sau thuế 28.043.638 đồng/tấn, trong khi giá thị trường thép tấm dầy 10 - 12 mm khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn.
Thép các loại dùng để liên kết đầu cọc đổ bê tông tại chỗ có đơn giá sau thuế 23.515.423 đồng/tấn, trong khi giá thị trường các loại thép dài khoảng 13 triệu đồng/tấn, thép hình 14 - 15 triệu đồng/tấn.
Thép các loại làm đầu cọc đúc sẵn có đơn giá 19.989.104 đồng/tấn, trong khi giá các loại thép dài trên thị trường chỉ vào khoảng 13 triệu đồng/tấn.
Không được lãnh đạo Cảng Quy Nhơn giải đáp thắc mắc, cổ đông nhỏ đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị quản lý vốn nhà nước tại Vinalines vào cuộc kiểm tra sự việc.
Cảng Quy Nhơn: Dự toán mới chỉ trên giấy
Lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn trong thông cáo báo chí đã “phản pháo” VAFI. Theo đó, lãnh đạo Công ty cho rằng, Dự án nâng cấp Bến số 1 mới chỉ ở giai đoạn lập dự án, xác định tổng mức đầu tư, thẩm tra và chưa được phê duyệt, chưa thông qua Ðại hội đồng cổ đông.
Do vậy, dự án chưa có gói thầu, nên chưa đủ cơ sở nói dự toán dự án chênh lệch hàng chục tỷ đồng.
Lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho biết, dự toán dự án được đưa ra trên cơ sở định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, đồng thời cho rằng, các thông tin VAFI đưa ra gây hiểu lầm cho dư luận là dự án đã được phê duyệt, đang triển khai đấu thầu, gây thất thoát tài sản Nhà nước, cổ đông.
Sau 1 năm chuyển đổi chủ sở hữu về Vinalines, Cảng Quy Nhơn liên tiếp dính lùm xùm. Trước đó, một cổ đông đã tố cáo lãnh đạo Công ty có sai phạm trong công tác nhân sự và ký kết các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp được cho là có liên quan.
Vinalines đã lập đoàn kiểm tra và kết luận về những tồn tại sau thời điểm Cảng Quy Nhơn được thu hồi về nhà nước, đồng thời cho biết trong quý III/2020 sẽ xử lý xong các nội dung tố cáo được xác định là đúng hoặc đúng một phần; xử lý dứt điểm những tồn tại về nhân sự, hợp đồng kinh tế...
Cho đến thời điểm này, cổ đông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, các tồn tại trên vẫn chưa được giải quyết.
Câu hỏi về quản trị trước khi lên sàn
Câu chuyện tại Cảng Quy Nhơn được thị trường quan tâm không chỉ bởi đây là doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh hiệu quả, mà còn bởi Công ty đang xúc tiến kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE.
Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho biết, sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu chậm nhất trong quý IV năm nay.
Năm 2019, Cảng Quy Nhơn đạt doanh thu 812 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 128 tỷ đồng. Năm 2020, mục tiêu kinh doanh đặt ra là doanh thu đạt 862 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 142 tỷ đồng.
Tính trên số vốn điều lệ 400 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trên khá tích cực. Bởi thế, cổ phiếu của Công ty có thể trở thành hàng hóa chất lượng trên thị trường chứng khoán, có thêm các cơ hội huy động vốn, phục vụ cho hoạt động mở rộng đầu tư, vốn đang rất cần thiết hiện nay.
Tuy nhiên, những lùm xùm về công tác quản trị, việc triển khai dự án đầu tư bị cổ đông nghi ngại không minh bạch như hiện nay, sẽ là một lực cản lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp, nếu không được xử lý rốt ráo. Tài sản nhà nước cũng như các cổ đông khác trong trường hợp này cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hà Vy - Thủy Nguyễn