Hoa Sen bán, giải thể các công ty liên quan dự án Cà Ná

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 28 Tháng Bảy 2020 08:02:00

Hoa Sen chủ trương bán toàn bộ 2 công ty thuộc lĩnh vực cảng và khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

0b5hsg-ca-na-1472545954-4589-1595859705.

HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Hai công ty này lần lượt là chủ đầu tư dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. 

HĐQT thống nhất giá trị chuyển nhượng không thấp hơn chi phí thực tế mà Tập đoàn đã góp vốn tính đến thời điểm chuyển nhượng. Giá vốn đầu tư vào công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận là 6 tỷ đồng còn Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận là 4 tỷ đồng, tính tại ngày 30/9/2019.

HĐQT giao trách nhiệm cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch làm việc với đối tác có năng lực tài chính, quan tâm đến dự án để xúc tiến chuyển nhượng. Trước mắt, chủ trương của HĐQT là tập trung vào các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai các dự án tại tỉnh Ninh Thuận.

Cùng với đó, HĐQT ra quyết định giải thể một số công ty con đã thành lập để triển khai dự án Cà Ná, gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư Khu Liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn. 

Theo báo cáo hợp nhất cho năm tài chính kết thúc 30/9/2019, Hoa Sen đã chi khoảng 33 tỷ đồng để mua lại 54% cổ phần Hoa Sen Quy Nhơn, nâng sở hữu lên 99% vào cuối năm 2018. Giá trị đầu tư vào công ty này là 61 tỷ đồng. Hoạt động chính của Hoa Sen Quy Nhơn là kinh doanh bất động sản và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh bất động sản. Trong 10 tháng của niên độ 2018 - 2019, công ty này đã góp 2,4 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn. 

Lý do được HĐQT đưa ra là sự chuyển biến của tình hình hiện nay đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi xúc tiến đầu tư. Ở góc độ nội tại, Tập đoàn đã có sự điều chỉnh chiến lược phát triển trung, dài hạn: tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh sở trưởng (tôn - thép - nhựa); đảm bảo doanh thu, lợi nhuận ổn định; giảm dư nợ vay về mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng trong vài năm sau... Cập nhật tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II niên độ 2019 - 2020, tại ngày 31/3, Hoa Sen có khoản nợ vay tài chính là 8.587 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu kỳ. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,5 lần.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận được cổ đông thông qua vào năm 2016, giữa tâm bão sự cố môi trường từ Formosa với công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn thời điểm đó khẳng định nhìn Hòa Phát lời 2.000 tỷ đồng từ thép trong một quý thì "ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư". Phân kỳ đầu tư dự án Cà Ná giai đoạn 1 khi đó được dự tính khoảng 11.150 tỷ đồng. 

Năm 2017, Thủ tướng cho tạm dừng triển khai dự án do chỉ mới ở mức độ đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện...

Đến 2018, tại ĐHCĐ thường niên, ông Vũ cho biết dự án dừng cũng tốt, vì nếu giờ làm Cà Ná thì bản thân phải đứng công trình... nhưng không làm thì có thời gian sống trên núi, sống an vui với tâm an trí sáng. Thời gian đó, ông Vũ nói đến quyết định về miền núi Bảo Lộc, Lâm Đồng để điều hành từ xa. Dù vậy, ông Vũ vẫn khẳng định rằng: "Khi nào Cà Ná được cấp phép, tôi xuất chiêu quý vị coi".

Khổng Chiêm