CTCP Khoáng sản Nà Rì Hamico (KSS) là cái tên khá quen thuộc với giới đầu tư khi từng “làm mưa, làm gió” trên TTCK. Tuy nhiên, quá khứ huy hoàng nhanh chóng bị vùi lấp bởi khó khăn chung của ngành, đặc biệt là sự cố liên quan đến các sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp.
Hàng nóng trên sàn
KSS có nguồn gốc từ một công ty xây dựng thuộc khối tư nhân (doanh nghiệp tư nhân Sơn Trang). Trước đây, KSS chuyên hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng các công trình thủy lợi, dân dụng, đường quốc lộ, tỉnh lộ. Từ năm 2008, KSS vươn sang lĩnh vực khai thác và kinh doanh khoáng sản, bắt đầu từ silic, đá vôi rồi mở rộng sang quặng sắt, vàng sa khoáng, chì, kẽm. Dù gia nhập ngành tương đối muộn, nhưng nhờ tận dụng những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, KSS có tốc độ tăng trưởng về quy mô tài sản nhanh nhất.
Từ doanh nghiệp tư nhân với vốn điều lệ ban đầu chỉ 11,5 tỷ đồng, KSS đã tiến hành hàng loạt đợt tăng vốn lên 25 tỷ đồng, 34,5 tỷ đồng rồi 241 tỷ đồng. Ngày 19-3-2014, KSS kết thúc đợt phát hành CP trả cổ tức và chào bán ra công chúng, với số lượng phát hành thành công 15,2 triệu CP tăng vốn điều lệ lên 394,3 tỷ đồng. Cũng trong năm 2014, KSS phát hành thành công 1 triệu trái phiếu chuyển đổi, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu (tổng giá trị 100 tỷ đồng). Ngày 4-4-2015, số trái phiếu trên được chuyển đổi thành 10 triệu CP, nâng vốn điều lệ của KSS lên 494,3 tỷ đồng.
KSS chính thức niêm yết hơn 49 triệu CP trên sàn HOSE từ năm 2010, với giá tham chiếu lên đến 50.000 đồng/CP. Với mức giá này KSS trở thành mã CP khoáng sản có vốn hóa lớn nhất trên cả 2 sàn ở thời điểm lúc bấy giờ, giá trị vốn hóa lên đến 590 tỷ đồng. Sau phiên chào sàn ngày 4-1-2010, KSS có những phiên giao dịch hết sức sôi động và có thời điểm mã CP này chạm mốc 60.000 đồng/CP. KSS cũng được xếp vào nhóm CP khoáng sản được NĐT ưa chuộng, với khối lượng giao dịch thường xuyên đạt trên 1 triệu đơn vị. Với thanh khoản luôn đứng ở mức cao, KSS cũng là mã CK luôn có biến động lớn trên TTCK, được xếp vào nhóm CP đầu cơ tiêu biểu trên sàn HOSE.
Cú sốc tâm lý
Dù khởi đầu khá suôn sẻ nhưng KSS lại nhanh chóng rơi vào tình cảnh hết sức bi đát. Từ giá khởi điểm ban đầu 5.0, đến thời điểm hiện tại KSS được giao dịch trên thị trường OTC ở mức giá chỉ 800 đồng/CP. Có 2 nguyên nhân dẫn đến các đợt lao dốc của KSS là tình hình kinh doanh bết bát và sự cố liên quan đến dàn lãnh đạo cao cấp. Việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không còn thuận lợi do Nhà nước tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, thông qua Chỉ thị 02/CT-TTg nhằm hạn chế thực trạng khai thác tràn lan với số lượng giấy phép khai thác tăng cao trong các năm gần đây, chưa kể các hoạt động khai thác ngoài giấy phép.
Theo đó, từ ngày 1-7-2012, quy định ngừng xuất khẩu quặng ilmenite thô, quặng sắt, quặng và tinh quặng chì, kẽm, đồng, cromit, mangan, apatit; không cấp phép khai thác mới đối với quặng titan sa khoáng, vàng sa khoáng, mỏ vàng, đồng thời đóng cửa các mỏ không khai thác hiệu quả. Quy định mới này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sắp hết hạn giấy phép khai thác, hoặc có phần lớn doanh thu từ xuất khẩu tinh quặng. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế và sụt giảm cầu tiêu thụ trong nước của một số khoáng sản, cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Nếu khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ là nỗi buồn thoáng qua, sự cố liên quan đến dàn lãnh đạo mới chính là cú sốc tâm lý với cổ đông. Cụ thể, tháng 6-2015, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn khám xét trụ sở KSS, bắt khẩn cấp Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dĩnh, Kế toán trưởng Hà Thị Thu Huyền, để điều tra về tội danh “làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”. Ngay sau đó, HOSE đã có thông báo đưa KSS vào diện bị kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 11-6. Theo HOSE, do con dấu giao dịch và toàn bộ hồ sơ hành chính của doanh nghiệp bị cơ quan điều tra thu giữ có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông.
Dư chấn kéo dài
Có thể nói, quyết định đưa CP vào diện kiểm soát đặc biệt của HOSE chỉ là mốc khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối của doanh nghiệp và cả NĐT đang nắm giữ CP KSS. Đầu tiên, kết quả kinh doanh năm 2015 của KSS âm 200 tỷ đồng. Đến tháng 7-2016, KSS bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE do công ty kiềm toán từ chối cho ý kiến liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) năm 2015.
Theo Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của KSS tại ngày 31-12-2014 là 178,55 tỷ đồng, thấp hơn số dư được công bố 179,99 tỷ đồng, chênh lệch thấp hơn số dư tại ngày 31-12-2015 là 162,9 tỷ đồng. Do đó, kiểm toán viên không đủ căn cứ để đưa ý kiến về khoản chênh lệch tại ngày 31-12-2015, cũng như việc kết chuyển xác định kết quả kinh doanh trong kỳ liên quan đến khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang này. Bên cạnh đó, công ty kiểm toán cũng không thể xác định được tính đúng đắn của các khoản công nợ phát sinh đến thời điểm 1-1-2015. Do đó, công ty kiểm toán đã không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC năm 2015 với KSS.
Sau khi rời sàn HOSE, KSS niêm yết trở lại trên UPCoM ngay trong năm 2016. Thế nhưng, sự xuất hiện trở lại của KSS diễn ra khá lặng lẽ, và “dấu ấn” lớn nhất cũng chỉ là những quyết định đưa CP vào Bảng cảnh báo NĐT. Đỉnh điểm là quyết định đình chỉ giao dịch do chậm công bố BCTC bán niên soát xét 2018 quá 30 ngày. Sau quyết định này, KSS gần như mất hút trên TTCK, mọi thông tin về doanh nghiệp này không còn, website công ty cũng không thể truy cập.
Kim Giang