Quý II, lợi nhuận sau thuế là 208,5 tỷ đồng.
Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (HoSE: HT1) báo cáo doanh thu giảm 14% còn 2.035 tỷ đồng. Nhờ giá vốn xi măng, clinker giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp chỉ giảm 3% còn 420 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC HT1 |
Dù quý II không còn ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí giảm nhưng hoạt động tài chính vẫn lỗ 55 tỷ đồng do khoản mục chi phí chiếm tỷ trọng cao trong khi doanh thu mang về vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng tăng 6% lên 41 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn 6% còn 52 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản chi phí khác tăng vọt lên 16 tỷ đồng, trong đó, chi phí tài trợ chiếm gần 50%.
Kết lại, lợi nhuận sau thuế là 208,5 tỷ đồng, không thay đổi so với cùng kỳ 2019. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 546 đồng/cp. Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu 3.767 tỷ đồng, giảm 14% và lợi nhuận sau thuế là 313 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.
Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.584 tỷ đồng, giảm 3% và lợi nhuận trước thuế 830 tỷ đồng, giảm 11% năm trước. Như vậy, doanh nghiệp hoàn thành 44% chỉ tiêu doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa năm.
Tổng tài sản tính đến 30/6 là 9.744 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang các dự án tại Bình Phước, dự án đường BOT Phú Hữu... trị giá 1.024 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ vay tài chính hơn 2.600 tỷ đồng, tương đương 72% nợ phải trả và chủ yếu là ngắn hạn. Khoản mục nợ vay đã giảm khoảng 19% so với đầu kỳ.
Trước đó, Xi măng Hà Tiên 1 từng nhận định năm 2020 ngành xi măng trong nước tiếp tục đối mặt với tình trạng dư cung. Tình trạng rà soát pháp lý dự án, nhất tại TP HCM, khiến giảm nhu cầu xi măng phân khúc này.
Công ty đang chờ đợi các dự án đầu tư công của Chính phủ và theo dõi biến biến các dự án như sân bay Long Thành, đường cao tốc... Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ tại các dự án này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm của công ty. Phân khúc tiêu thụ chủ yếu vẫn là xây dựng dân dụng.
Việc xuất khẩu xi măng sang các thị trường chủ yếu như Philipines, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Trong nước, công ty cũng đối mặt với 2 đối thủ chính là An Phú và Fico Tây Ninh đưa thêm 2 nhà máy mới vào hoạt động tại miền Nam.
Châu Anh