CEO Mai Kiều Liên: Hi - Café chỉ là tận dụng những lợi thế của Vinamilk đi vào ngành hàng nước giải khát

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 02 Tháng Bảy 2020 07:00:00

Vinamilk tận dụng lợi thế của mình để đi vào ngành hàng nước giải khát.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo Vinamilk (HoSE: VNM) đã trình bày phương án triển khai dự án mở hệ thống/chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo với thương hiệu “Hi – Café”. Trong năm 2019, đơn vị đã mở 1 cửa hàng tại trụ sở chính để thử nghiệm và đánh giá hiệu quả. Trong các năm kế tiếp, Vinamilk dự kiến sẽ phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh.

Chiến lược này thu hút sự chú ý và nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về phương phướng triển khai cụ thể, cũng như hiệu quả kỳ vọng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên Vinamilk diễn ra cuối tuần qua.  

Trước ý kiến cho rằng các chuỗi cà phê hiện nay đang cạnh tranh và lỗ, CEO Mai Kiều Liên chia sẻ Vinamilk không có tham vọng thuê các mặt bằng giá 10.000 - 20.000 USD/tháng để mở cửa hàng. Vinamilk là đơn vị sản xuất sản phẩm cà phê kết hợp với mặt hàng có sẵn là sữa đặc có đường Ngôi Sao Phương Nam.

Hơn nữa, Vinamilk sẽ tận dụng 430 cửa hàng giấc mơ sữa Việt để triển khai quầy pha chế cà phê kết hợp với sữa Ngôi Sao Phương Nam để có thể uống tại chỗ hoặc mang đi.

“Như vậy, thực tế Vinamilk chỉ tận dụng những lợi thế của mình để đi vào ngành hàng nước giải khát”, CEO Vinamilk nói.

hinh-hicafe-5976-1593592318.jpg

Hi - Café bên trong cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt. Ảnh; MH

Theo khảo sát của Người Đồng Hành, cửa hàng "Hi - Café" của Vinamilk là một góc nhỏ trong cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt, có vài ghế ngồi quanh quầy pha chế. Như vậy, các thức vận hành của "Hi - Café" phù hợp với nhu cầu mua mang đi hơn, khác với các chuỗi cà phê như Highland Coffee, Coffe House hay Trung Nguyên là địa điểm để tụ họp, làm việc.

vnm-hinh-5787-1593592318.jpg

Quầy pha chế của Hi - Café. Ảnh: MH

Cửa hàng Hi - Café phục vụ thức uống không quá đa đạng với mức giá tầm trung như cà phê (đen, bạc xỉu, sữa, sữa tươi) giá từ 22.000-25.000 đồng/ly, đá xay 40.000 đồng/ly và Mocktail trái cây 35.000 đồng/cốc.

Ngoài ra, Vinamilk còn ra mắt cà phê sữa đóng chai với giá hơn 14.000 đồng với chai 200 ml. Sản phẩm được bày bán ở ngay trong cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt và các kênh phân phối khác của Vinamilk.

hicafe-4667-1593592318.jpg

Ảnh: MH

Bên cạnh đó, Vinamilk kết hợp với Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) để lập liên doanh đẩy mạnh ngành hàng giải khát và đông lạnh. Vinamilk góp 51% và Kido 49% trong liên doanh.

Theo chia sẻ của bà Mai Kiều Liên, cả 2 công ty mẹ sẽ đưa tất cả sản phẩm, dây chuyền sản xuất cũng như thương hiệu ngành hàng giải khát và đông lạnh vào liên doanh. Bên cạnh đó, liên doanh cũng sẽ phát triển các thương hiệu riêng với nhiều thể loại và sản phẩm.

Về phía Tập đoàn Kido, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc cho biết liên doanh sẽ có tên Công ty TNHH Liên doanh nước giải khát Vinamilk – Kido, tên thương hiệu Vibev. Vibev được thành lập với xứ mệnh xây dựng thương hiệu nước uống Việt Nam vững mạnh và mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về khẩu vị theo xu hướng tiêu dùng hiện đại, đảm bảo chất dinh dưỡng, chất lượng, an toàn và sự hài lòng khách hàng.

“ThaiBev là tập đoàn nước giải khát lớn không chỉ ở Thái Lan mà vươn tay đến Việt Nam qua việc thâu tóm Sabeco. Liên doanh Vibev được kỳ vọng trở thành một tập đoàn như ThaiBev tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các thương thiệu của Việt Nam đi xa hơn, bước đầu sẽ có sự hỗ trợ từ mạng lưới xuất khẩu 30 thị trường của Vinamilk”, CEO Kido nói.

Lãnh đạo Kido tiết lộ sản phẩm liên doanh hướng đến là nước ngọt không ga, nước ép và nước dinh dưỡng. Khi 2 doanh nghiệp lớn kết hợp sẽ khai thác được trên 1 triệu điểm bán, trong đó 600.000 điểm bán tạp hóa có các loại sữa, 450.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh. Vào quý III, sản phẩm đầu tiên sẽ được tung ra thị trường.

vibev-sp-7731-1593501990.png

Một số sản phẩm của Vibev. Nguồn: Kido

Thùy Yên