Với mức tăng trưởng bình quân 15 – 20%/năm, ngành bao bì Việt Nam được đánh giá có dư địa rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, trong cuộc đua tranh giành thị phần, ưu thế vẫn đang nghiêng về phía các doanh nghiệp (DN ) nước ngoài.
Theo Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 sẽ tăng trưởng 38 – 40%, từ 3,92 triệu tấn lên xấp xỉ 5,4 triệu tấn (cao gấp 2,5 lần so với mức tăng trưởng 13% toàn cầu trong cùng giai đoạn).
Còn theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS), ngành bao bì là một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam trong mười năm qua. Ngành công nghiệp thực phẩm phát triển nhanh trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành bao bì.
Dư địa lớn, cạnh tranh gay gắt
Ông Nguyễn Ngọc Sang – Chủ tịch VINPAS, nhận định: “Ngành bao bì Việt Nam sẽ tăng trưởng 25% đến năm 2019. Trong giai đoạn 2011 – 2016, lĩnh vực bao bì đóng gói luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15 – 20%/năm, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm”.
Theo các chuyên gia, ngành bao bì Việt Nam đang có nhiều dư địa để phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm. Ngành sản xuất hàng hóa, thực phẩm, đồ uống phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu phát triển mạnh, dẫn đến nhu cầu bao bì sẽ tăng rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho hay: “Mức tăng trưởng 10%/năm của ngành bao bì đang thu hút sự chú ý của các DN nước ngoài. Minh chứng là hàng loạt thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) trị giá hàng tỷ USD đã diễn ra trong thời gian qua”.
Dư địa lớn song cuộc đua trong ngành nhựa Việt Nam ngày càng khốc liệt. Để giành thị phần, nhiều DN bao bì, cả trong và ngoài nước, đang đẩy mạnh đầu tư đổi mới, công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về xuất xứ, mẫu mã, in ấn, tính thân thiện với môi trường….
Điển hình như Tetra Pak, một tên tuổi trong ngành bao bì, dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất bao bì giấy đóng gói thực phẩm dạng lỏng đầu tiên tại Bình Dương với tổng công suất 20 tỷ hộp, bao bì mỗi năm và đi vào hoạt động đầu năm 2019.
Hay như New Toyo, năm 2016 đã cho nâng cấp công nghệ để tăng năng suất và cải thiện chất lượng, đồng thời giảm sai số, nâng tính chính xác cho sản phẩm. Hiện công ty này đang chuẩn bị đầu tư thêm một nhà máy đạt chuẩn GMP.
Trong khi đó, công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) cũng đang lên kế hoạch nhập khẩu máy phun ép, máy đùn thổi màng từ Đức, Pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết kiệm chi phí.
Điểm yếu DN nội
Trong cuộc đua giành thị trường, các DN Việt Nam đang tỏ ra đuối sức. Chủ tịch VINPAS Nguyễn Ngọc Sang thừa nhận, điểm yếu của các DN bao bì trong nước là công nghệ chưa cao, chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị và tạo ra lợi nhuận bền vững.
“Các DN bao bì FDI có nhiều lợi thế về máy móc, công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín, hầu hết tự động hóa nên chi phí thấp và năng suất rất cao. Thực tế cho thấy, với các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao, thị phần hiện vẫn tập trung vào các công ty nước ngoài như Tetra Pak (Thụy Điển),Combibloc (Đức)…”, bà Nhan Húc Quân – Tổng Giám đốc New Toyo – cho hay.
Cùng quan điểm, ông Trần Việt Anh – Chủ tịch công ty Nam Thái Sơn, cho rằng: “Về vốn vay, DN nước ngoài vay vốn ở nước họ chỉ 2 – 4%, thậm chí được hỗ trợ 0%, còn DN trong nước phải vay trung hạn với lãi suất 12%. DN FDI với lợi thế về tài chính, quản trị, lại được sự hỗ trợ từ các công ty mẹ, thậm chí chấp nhận lỗ 3 – 5 năm để chiếm lĩnh thị trường”.
Bên cạnh đó, áp lực bị thâu tóm cũng ngày càng tăng khi trong thời gian qua, không ít DN nội tên tuổi rơi vào tay các nhà đầu tư Nhật Bản, một số khác phải bán 80% cổ phần cho các tập đoàn Hàn Quốc, Thái Lan. Hàng loạt thương vụ M&A diễn ra thời gian qua với nhiều tên tuổi mới như SSG, Oji Holding Corporation, Sagasiki Vietnam, RISA Partners…
Theo ông Dòng, nguyên nhân các DN trong nước chấp nhận “bán mình” hoặc nhượng một phần cổ phần cho các DN nước ngoài là vì tâm lý thiếu tự tin trong giai đoạn hội nhập.
“Một số DN bao bì Việt Nam cho rằng khi hội nhập, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, các DN nước ngoài sẽ dễ dàng thắng thế. Vì vậy, nhiều DN trong nước, nhất là những DN vừa và nhỏ, đã chấp nhận bán cổ phần”, ông Dòng phân tích.
Không chỉ đuối sức trước các DN nước ngoài, các DN nội còn đang chịu sức ép lớn về nguyên liệu đầu vào. Theo tính toán, DN trong nước phải nhập khẩu 70 – 80% nguyên liệu đầu vào. Tình thế càng khó khăn khi từ tháng 1/2017, thuế nhập khẩu hạt nhựa PP tăng lên mức 3%.
Rủi ro vay nợ, đặc biệt nợ ngắn hạn, cũng là điểm yếu của nhiều DN bao bì trong nước. Theo thống kê, tỷ lệ vay nợ ngắn hạn của DN Việt Nam vào khoảng 70%, khiến hệ số thanh toán nhanh của các DN khá thấp. Để giúp các DN Việt có chính sách giá cạnh tranh hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu vốn vay từ nợ ngắn hạn sang vốn vay dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay.
Hiến Nguyễn