CTCP Bao bì nhựa Sài Gòn (SPP) có khởi đầu hết sức thuận lợi, nhờ chiến lược đầu tư vào lĩnh vực bao bì nhựa có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn của thị trường, cộng với những chính sách đầu tư không hợp lý, đã đẩy SPP từ vị thế độc tôn trên thị trường đến sát bờ vực phá sản.
Vị thế độc tôn
Tiền thân của SPP là Công ty TNHH Bao bì nhựa Sài Gòn, được Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cấp giấy phép ngày 16-4-2001, với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất bao bì màng ghép phức hợp, bao bì nhựa, bao bì giấy, bao bì kim loại và kinh doanh bất động sản. Giữa năm năm 2007, để đáp ứng nhu cầu phát triển, SPP đã chuyển đổi hình thức từ công ty TNHH thành CTCP, đồng thời thực hiện hàng loạt kế hoạch mở rộng và phát triển sản xuất.
Năm 2008-2009, SPP bỏ ra hơn 100 tỷ đồng nhập thêm hệ thống thiết bị dây chuyền sản xuất bao bì màng ghép phức hợp mới, hiện đại công nghệ của châu Âu, có công suất gấp hơn 2 lần dây chuyền sản xuất hiện tại (từ 3-5 triệu m2 lên 7,5-12,5 triệu m2). Tháng 9-2009, SPP đạt chứng chỉ An toàn thực phẩm theo HACCP, do Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI) chứng nhận và nâng cấp Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008.
Với hệ thống máy móc đầu tư hiện đại, sản phẩm chính của SPP là màng ghép phức hợp yêu cầu công nghệ cao, như bao bì chất liệu nhôm, nhựa, phức hợp. Đây là những sản phẩm được sử dụng nhiều trong nhóm sản phẩm trà, cà phê, bánh kẹo, mì ăn liền rất ít đối thủ cạnh tranh thời điểm đó làm được. Nhờ sản phẩm có chất lượng, SPP tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với khách hàng lớn khu vực miền Nam, như Vinacafe, Acecook Việt Nam, Vifon, Asia Food, Nestle, Trung Nguyên, Highland Coffee...
Chủ trương của SPP là cạnh tranh về chất lượng, không cạnh tranh về giá, thậm chí giá của SPP trong một số trường hợp cao hơn các đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn không đáp ứng hết yêu cầu. Trong giai đoạn 2007-2009, SPP duy trì mức tăng trưởng doanh thu lên đến 38%, lợi nhuận gộp tăng trưởng trung bình 32%.
Bước ngoặt
Cuối năm 2008, SPP chính thức đưa CP lên niêm yết trên HNX, với giá tham chiếu 40.000 đồng/CP, và đạt đỉnh 54.900 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 29-9-2008. Sau khi niêm yết, SPP liên tục có các đợt phát hành CP tăng vốn điều lệ (VĐL). Cụ thể, năm 2009 tăng VĐL lên 60 tỷ đồng, thông qua việc phát hành thêm 2,5 triệu cổ phần phổ thông theo hình thức phát hành riêng lẻ.
Năm 2010, SPP tiếp tục phát hành CP thưởng với tỷ lệ 2:1 để tăng VĐL từ 60 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng. Năm 2011, SPP phát hành thành công thêm 3,5 triệu CP tăng VĐL từ 90 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng. Năm 2015, phát hành thành công hơn 1 triệu CP, tăng VĐL từ 125 tỷ đồng lên 135,77 tỷ đồng. Năm 2017, SPP tiếp tục phát hành CP thưởng nâng VĐL lên 174,8 tỷ đồng, và lặp lại hoạt động này trong năm 2018 để nâng vốn lên 251,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc tăng vốn quá nhanh, cộng với tham vọng giành thị phần đã đẩy SPP vào tình thế nguy hiểm. Năm 2014, suy thoái kinh tế kéo dài tác động đáng kể lên ngành bao bì, trong đó ảnh hưởng lớn lên nguyên liệu đầu vào, khiến biên lợi nhuận SPP bị thu hẹp. Đáng chú ý, sau thời gian chiếm vị thế độc tôn, SPP bắt đầu chịu áp lực từ các đối thủ trên thị trường với công nghệ mới và dòng sản phẩm mới, khiến SPP mất dần vị thế cạnh tranh. Đây là nguyên nhân khiến SPP liên tục huy động vốn để đầu tư công nghệ và mở rộng sản xuất.
Năm 2019, SPP thông qua phương án phát hành 169 tỷ đồng nhằm đầu tư vốn đối ứng cho dự án đầu tư nhà máy Saplastic Long An, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.141 tỷ đồng. Việc mở rộng đầu tư mới khiến áp lực chi phí ban đầu tăng cao, cùng với khó khăn hiện hữu về dòng vốn lưu động và biến động giá nguyên liệu đầu vào, đã khiến thanh khoản SPP đối mặt nguy cơ mất cân đối trầm trọng. Cũng trong 2019, SPP bất ngờ báo lỗ gần 720 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, dư nợ vay quá hạn của SPP hơn 707,6 tỷ đồng. Trong đó khoản dư nợ lớn nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với hơn 396 tỷ đồng.
Chờ “khai tử”
Điều cổ đông không mong đợi rồi cũng đến, khi cuối tháng 11-2019, TAND TPHCM quyết định mở thủ tục phá sản đối với SPP. Tiếp đó, cuối tháng 4 vừa qua, HNX công bố quyết định hủy niêm yết toàn bộ 25,12 triệu CP SPP từ ngày 22-5. Lý do hủy niêm yết do SPP có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số VĐL thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2019, thuộc diện bị hủy niêm yết theo quy định.
Giải trình nguyên nhân bị hủy niêm yết, đại diện SPP cho biết năm 2019 doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh là dự án nhà máy Saplastic Long An. Tuy nhiên do sự thay đổi từ phía ngân hàng và NĐT, dẫn đến kế hoạch không thực hiện được. Cụ thể, theo SPP, phía BIDV đã không phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu cho SPP để thực hiện dự án như kế hoạch, nên NĐT Nhật Bản Mitsui cũng không đồng ý tiếp tục dự kiến mua cổ phần chi phối và góp vốn 600 tỷ đồng. Không những thế, BIDV còn yêu cầu SPP có lộ trình giảm vốn đang vay từ 450 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng.
Khó khăn về tài chính khiến SPP phải huy động hết nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện hợp đồng, khiến không có nguồn tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán các khoản nợ đến hạn, các khoản lãi ngân hàng và để tái đầu tư. Bên cạnh đó, do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khiến toàn bộ nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc bị tạm ngừng nhập khẩu, công ty không có nguồn nguyên liệu nên không sản xuất được các đơn đặt hàng từ trước.
Đáng chú ý, công ty kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ đối với BCTC năm 2019 của SPP. Cơ sở đưa ý kiến ngoại trừ là các khoản vay và nợ thuê tài chính, với tổng số dư hơn 707 tỷ đồng, chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay phải trả năm 2019 vào kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, tính đến 31-12-2019, nợ phải trả ngắn hạn của SPP lớn hơn tài sản với số tiền 618 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên đến 690 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 438 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 sụt giảm mạnh, khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và tiếp tục đầu tư vốn chủ sở hữu.
Kim Giang