'Mổ xẻ' hiện tượng tăng 'phi mã' của VNX

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 01 Tháng Sáu 2020 08:16:00

Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VNX của CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) đã "leo" lên đến vùng giá 80.000 đồng/cp. Trong khi đó, cùng thời điểm cách đây khoảng 2 năm, cổ phiếu VNX chỉ có giá khoảng 7.00 đồng/cp. Đâu là nguyên nhân khiến cổ phiếu này tăng "phi mã" như vậy?

Vinexad tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước (trực thuộc Bộ Công thương) được thành lập từ năm 1975 với vốn 7 tỷ đồng. Công ty thực hiện cổ phần hóa năm 2006, đến nay vốn điều lệ công ty là 12,2 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh như tổ chức hội chợ - triển lãm; Xây dựng thực hiện các chương trình quảng cáo (truyền thông – PR – marketing); Bất động sản, văn phòng cho thuê…

Tính đến cuối năm 2019, các cổ đông lớn của công ty đều là các cá nhân và nắm giữ vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp như Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Quỳnh Giang (15%), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khắc Luận (13,5%), ông Đinh Văn Khải là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc (12%)...

Mức tăng gây sốc của cổ phiếu

Thực tế, cổ phiếu VNX từng gây ấn tượng với giới đầu tư khi tăng trần liên tiếp 32 phiên trong giai đoạn từ 22/3/2019 đến khoảng giữa tháng 5/2019, chỉ duy nhất một phiên ngắt quãng là phiên ngày 18/4. Theo đó, thị giá của VNX tăng thẳng đứng từ 1.200 đồng/cp lên 62.900 đồng/cp, tương đương hơn 5.000%.

Không dừng lại ở đó, VNX còn tạo bất ngờ khi ở đỉnh điểm đạt mức 84.300 đồng/cp (phiên 22/8/2019) tương đương mức tăng gần 7.000% so với thời điểm đầu năm. Sau đó, VNX cũng đã có sự điều chỉnh nhưng kết thúc năm 2019 cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng 4.900% tại mức giá 60.000 đồng/cp.

Bước sang đầu năm 2020, VNX có phần hạ nhiệt hơn khi kết thúc quý I thị giá của cổ phiếu cũng chỉ duy trì quanh vùng giá 62.000 đồng/cp, ghi nhận mức tăng hơn 3% so với đầu năm.Tuy nhiên, không khó lý giải sự ảm đạm của VNX bởi đây cũng là thời điểm mà cả thị trường chung đang lao đao vì dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có cả Việt Nam. 

Thế nhưng, nếu so với vùng giá "trà đá" của đầu năm 2019 thì VNX vẫn có mức tăng là khoảng hơn 2.000%. Bước vào những tháng đầu của quý II/2020, thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ với đà tăng giá lan toả tại hầu hết các nhóm cổ phiếu và tất nhiên với một mã cổ phiếu không chịu "an phận" như VNX cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng chung.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh từ mức giá hơn 60.000 đồng/cp xuống vùng giá 56.000 đồng/cp trong nửa đầu tháng 4, VNX đã âm thầm bứt tốc chinh phục ngưỡng 80.300 đồng/cp (phiên 26/5). Như vậy, so với cách đây hơn 1 năm, VNX đã tăng 6.600% và nếu so sánh với mức giá 7.00 đồng/cp của phiên 26/5/2018, VNX đã tăng hơn 113.000%.

Không chỉ biết đến là một doanh nghiệp có cổ phiếu tăng sốc trên sàn chứng khoán mà Vinexad còn được biết đến bởi những khoản cổ tức tỷ lệ cao và thường xuyên. Ngày 29/5/2020, Vinexad đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 70% tương đương mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 7.000 đồng. 

Đây là mức chia cổ tức cao nhất trong 10 năm qua, kể từ ngày đăng ký niêm yết trên UPCoM (năm 2010) và cũng vượt xa kế hoạch đã thông qua trước đó là 30%. Trong khi trước đó, năm 2018 công ty chia cổ tức tiền mặt là 35%, 2017 là 25%, 2016 là 19%, trong giai đoạn 2014-2015 là 18%.

Ngoài ra, Vinexad cũng luôn có mức EPS ở mức cao, nếu như năm 2017 là 7.181 đồng thì đến nay đã là 13.030 đồng. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiên các cổ đông không muốn "nhả" hàng dẫn đến thanh khoản của cổ phiếu VNX luôn trong tình trạng đóng băng ngay cả trong giai đoạn thị giá tăng mạnh cũng không mấy cải thiện, chỉ nhỏ giọt trong khoảng trung bình 300 đơn vị mỗi phiên.

Vinexad có gì?

Trước đà tăng chóng mặt của cổ phiếu VNX, nhiều nhà đầu tư đã phải đặt ra câu hỏi là doanh nghiệp này có lợi thế gì mà có thể khiến tỷ lệ tăng trưởng của cổ phiếu trên sàn đạt tới hàng nghìn điểm phần trăm?

Thực tế, kể từ khi lên sàn đến nay Vinexad thường xuyên khiến cổ đông chất vấn trước nhiều vấn đề liên quan đến kế hoạch kinh doanh. Đơn cử, năm 2013, Vinexad đã xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) về việc sử dụng nguồn thặng dư vốn để mua phần cổ phiếu còn lại (khoảng 4%) của cổ đông Nhà nước làm cổ phiếu quỹ với giá 34.000 đồng/cp.

Trong khi đó, giá cổ phiếu VNX trên thị trường tại thời điểm đó chỉ khoảng 3.000 đồng/cp. Điều này khiến cổ đông bức xúc vì cho rằng giá mua lại phải căn cứ trên giá thị trường để đảm bảo lợi ích của cổ đông đại chúng. 

Nếu Vinexad mua lại với giá 34.000 đồng/cp thì phải mua đều cho tất cả các cổ đông có nhu cầu bán, việc mua lại cho riêng một cổ đông sẽ làm thiệt hại lợi ích của cổ đông khác.

Sau đó, năm 2014, Vinexad từng tính chuyện bán trụ sở tại số 5 Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (diện tích đất 314,5 m2, diện tích sàn khoảng 1.500 m2) và dự tính mua văn phòng khác làm trụ sở lâu dài, chia tiền mặt cho cổ đông và bổ sung vốn lưu động.

Công ty chỉ đề nghị cổ đông chấp thuận chủ trương bán trụ sở và ủy quyền toàn bộ cho Hội đồng quản trị Công ty tìm kiếm đối tác, thương lượng giá, tiến hành thủ tục bán…  Do đó, cổ đông đã yêu cầu Vinexad phải thông tin về đơn vị định giá, phương thức bán... Cho đến nay, vẫn chưa có thêm chi tiết mới nào cho thương vụ này.

Nói về hoạt động kinh doanh chính của Vinexad, chủ yếu là quảng cáo và hội chợ triển lãm thương mại. Hàng năm, Vinexad tổ chức 30-40 cuộc hội chợ, triển lãm, sự kiện. Doanh thu mỗi năm đạt khoảng 80-90 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 3-5 tỷ đồng/năm. 

Tuy nhiên, kể từ giai đoạn 2017-2018, hiệu quả kinh doanh của Vinexad đã cải thiện, với doanh thu tăng trưởng 10%/năm, lợi nhuận trước thuế là 40%/năm. 

Năm 2019, kết quả kinh doanh của Vinexad tiếp tục tăng, đạt doanh thu thuần 213,5 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018 và vượt 38% kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế đạt gần 16 tỷ đồng, cũng tăng 28% và vượt 66% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 127%.

Năm 2020, Vinexad đưa ra 3 phương án kinh doanh tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó phương án xấu nhất là doanh thu đạt 16 tỷ đồng và lỗ 4,5 tỷ đồng khi hết dịch vào quý III/2020.

Về dài hạn, Vinexad có định hướng cơ cấu lại bộ máy điều hành, hình thành thêm nhiều đơn vị kinh doanh và phát triển thành “tập đoàn” hoặc “công ty mẹ - con” để khai thác hết tiềm năng trong ngành triển lãm, sự kiện và quảng cáo truyền thông. 

Vinexad cũng dự kiến sẽ chuyển sang niêm yết trên HOSE hoặc HNX. Do đó, công ty muốn tăng vốn điều lệ để đáp ứng các tiêu chí niêm yết. Cụ thể, giai đoạn 2021-2022 sẽ tăng vốn lên 30 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối hoặc tiếp tục thương vụ bán trụ sở số 5 Đinh Lễ.

Vân Linh