Giá bán thỏa thuận thấp hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu BOT.
CTCP CNC Capital Việt Nam vừa thông báo đã bán ra 6,2 triệu cổ phiếu BOT của CTCP BOT Cầu Thái Hà. Giao dịch thực hiện ngày 25/5/2020. Sau giao dịch CNC Capital giảm lượng sở hữu cổ phiếu BOT từ hơn 8,72 triệu đơn vị (tỷ lệ 17,99%) xuống còn hơn 2,52 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,121%).
Đây là giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 36.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 228 tỷ đồng. Hiện chưa có thông tin về các bên mua vào. Giá bán thỏa thuận thấp hơn rất nhiều so với thị giá hiện tại của cổ phiếu BOT.
CTCP BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và XNK Bình Minh để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Công ty thành lập năm 2014. Dự án có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng, thử nghiệm thu phí từ tháng 5/2018 và chính thức thu phí từ ngày 10/2/2019.
Công ty đưa cổ phiếu lên sàn giữa tháng 2/2019 ngay khi cầu Thái Hà chính thức thu phí với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BOT đã có 10 phiên tăng trần liên tiếp, và đạt đỉnh ở mức 58.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó đà tăng đã dừng lại, duy trì giao dịch quanh mức 54.000 đến 56.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian dài. Hiện BOT giao dịch quanh mức 51.400 đồng/cổ phiếu.
Trở lại với CNC Capital Việt Nam, tuy không phải là một trong 3 nhà đầu tư sáng lập ban đầu, nhưng CNC Capital Việt Nam là 1 trong 4 cổ đông lớn của công ty trước thời điểm lên sàn. Lúc đó CNC Capital sở hữu 7,6 triệu cổ phiếu tương ứng 19% vốn điều lệ của BOT Cầu Thái Hà. Sau đó, CNC Capital còn tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu.
BOT Cầu Thái Hà cũng là một trong những doanh nghiệp khá đặc biệt khi kết quả kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao. Quý 1/2020 vừa qua doanh thu tăng 67% lên 7,2 tỷ đồng, song chi phí lớn khiến công ty lỗ gần 41 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 210 tỷ đồng.
Nguyên nhân BOT cầu Thái Hà thua lỗ chủ yếu do chi phí tài chính lớn – là khoản chi trả lãi vay. Trên BCTC công ty ghi nhận, tổng nợ phải trả đến cuối năm 1.108 tỷ đồng, trong đó có 53,8 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và 1.018 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn.
Mạnh Linh