VietinBank dự tính không chia cổ tức năm 2019, đáp ứng ngay Basel II khi được tăng vốn

BDT | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 20 Tháng Năm 2020 17:49:00

Sau khi giảm lãi sâu năm 2018, lợi nhuận của VietinBank đã bật mạnh trong năm vừa qua và lần đầu vượt con số 10.000 tỷ đồng. Dù lãi kỷ lục, bài toán cổ tức vẫn khá đau đầu khi nhà băng này cần giữ lại vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiếu khi việc tăng vốn vẫn gặp khó các năm qua.

Đề xuất năm 2019 không chia cổ tức 

Theo phương án phân phối lợi nhuận  Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (mã CTG) dự kiến trình tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 dự kiến tổ chức cuối tuần này (23/5), VietinBank đang đề xuất phương án chia cổ tức để lại toàn bộ lợi nhuận (tương đương tỷ lệ chia 0%), bên cạnh việc trích quỹ dự phòng tài chính 10% vốn điều lệ, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5%. Lợi nhuận còn lại sau khi phân phối là gần 6.042 tỷ đồng.

Năm 2019 ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của nhà băng này. Sau khi giảm lãi sâu năm 2018, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ và hợp nhất lần lượt đạt 85% và 79,6%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 11.781 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng. Đến cuối năm 2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất đạt xấp xỉ 19.830 tỷ đồng, xấp xỉ một nửa quy mô vốn điều lệ (37.234 tỷ đồng).

Đây không phài năm đầu tiên nhà băng này đề xuất về phương án không chi trả cổ tức. Trong năm 2018, khi kết quả kinh doanh không mấy tích cực, VietinBank đã đưa ra hai phương án cổ tức năm 2018: hoặc không chi trả cổ tức, hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,05%. Tuy nhiên, cùng kế hoạch cổ tức năm 2017 (5-7% bằng tiền), việc thực hiện chi trả vẫn đang “treo” lại khá lâu. Lần gần nhất VietinBank chi trả cổ tức là vào tháng 9/2017 cho năm tài chính 2016.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 của VietinBank
Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 của VietinBank

Phương án tích lũy lợi nhuận này dự kiến còn tiếp tục trong năm 2020. Trong bản kế hoạch kinh doanh năm nay gửi đến các cổ đông, VietinBank cũng đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có đáp ứng yêu cầu phát triển. Phương án cụ thể về cổ tức thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đây, tương tự nhiều nhà băng có vốn Nhà nước khác, phương án chi trả cổ tức của VietinBank vẫn đều đặn là cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời, là nguồn đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Năm 2018, đề xuất chi trả cổ tức bằng cổ phiếu của BIDV và VietinBank  để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đã từng nhận ý kiến của Bộ Tài chính. BIDV sau thời gian treo cổ tức cũng đã hoàn tất trả cổ tức bằng tiền mặt các năm cũ hồi tháng 11/2019.

Với phương án cổ tức năm 2019, VietinBank trước hết sẽ cần sự thông qua của các cổ đông, trong đó Ngân hàng Nhà nước là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 64,5% vốn.

Chính phủ đã phê duyệt chủ trương tăng vốn, tự tin đáp ứng đủ chuẩn mực Basel II

Tăng vốn là câu chuyện “nóng” của VietinBank nhiều năm qua. Nhà băng này rơi vào thế khó khi dư địa để tìm thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đã bị chặn lại do vướng quy định về room ngoại (tối đa 30%).  Đồng thời, tỷ lệ sở hữu Nhà nước cũng đã về kịch sàn 65%, trong khi khả năng huy động vốn từ cổ đông hiện hữu (bao gồm cả cổ đông Nhà nước hay tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng đều khó thực hiện.  

VietinBank cũng là một trong các ngân hàng cuối cùng được thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 khi phải tới cuối năm 2018 mới được thông qua. Sau hơn một năm triển khai, phía VietinBank tiết lộ đã đề xuất Chính phủ và các cơ quan bộ ngành phê duyệt phương án  tâng vốn điều lệ và được Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn.

“Hiện tại, Bộ tài chính, NHNN đang phối hợp để trình Chính phủ chính thức phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank”. HĐQT ngân hàng cũng cho biết đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy hình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin.

Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ, ngân hàng này khẳng định sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II. Để cải thiện hệ số an toàn vốn, năm 2019 vừa qua, VietinBank cũng tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành 5.550 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp.

Chưa chốt kế hoạch kinh doanh 2020

VietinBank hiện cũng chưa chốt con số kế hoạch cho năm 2020. “VietinBank sẽ bảo đảm hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh, tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch Covid-19 để tính toán và sẽ cập nhật kế hoạch lợi nhuận sau”, HĐQT ngân hàng cho biết trong tờ trình cổ đông.

Hạn mức tăng trưởng tỉn dụng được NHNN được giao hiện nay là 8,5%, nhưng kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng của VietinBank đang được đề xuất ở mức 4-8,5%. Còn quy mô tổng tài sản phấn đấu mở rộng 1-3%, chất lượng tài sản duy trì với tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 2%.

Trong năm 2019, tổng tài sản của VietinBank đến cuối năm đã đạt hơn 1,24 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2018 và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Dư nợ tín dụng đạt hơn 953 nghìn tỷ đồng tăng 7,3% so với năm 2018. Trong khi nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đến 31/12/2019 đạt gần 893 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8,1%.

Cơ cấu dư nợ đã có sự chuyền dịch, khi tăng tỷ trọng dư nợ VND và dư nợ bình quân phân khúc khách hàng bán lẻ và khách hàng DNVVN. Tín dụng được ưu tiên cho khách hàng có dự án/phương án sản xuất kinh doanh khả thi, xếp hạng tín nhiệm tốt, hiệu quả sinh lời cao, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ và thuộc lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2%, đạt kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.

Thanh Thủy