'Mây đen' tích tụ trở lại trên Phố Wall

HOSE | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 14 Tháng Năm 2020 16:20:00

Đợt tăng chớp nhoáng của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây bắt đầu bộc lộ những rạn nứt.

Suốt nhiều tuần qua, kỳ vọng biện pháp kích thích mạnh tay từ chính phủ Mỹ và Fed sẽ tạo điều kiện để kinh tế phục hồi vào cuối năm giúp Phố Wall liên tục tăng điểm, bất chấp số liệu cho thấy việc làm tại nền kinh tế số một thế giới giảm mạnh nhất kể từ Đại Suy thoái.

Những bình luận gần đây từ các quan chức cấp cao Mỹ làm giảm kỳ vọng này, ngay cả khi một số bang bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa. Nhà đầu tư buộc phải tính đến khả năng xảy ra một đợt suy giảm kéo dài, gây áp lực lên thị trường chứng khoán, tăng dòng vốn vào trái phiếu cùng các tài sản an toàn khác.

Sau khi tăng hơn 30% chỉ trong một tháng, S&P 500 mất 4% kể từ cuối tháng 4.

Khoảng 30 tỷ USD rời khỏi các quỹ chuyên đầu tư vào chứng khoán trong ba tuần liên tiếp, theo các nhà phân tích tại Deutsche Bank. Dòng tiền liên tục chảy vào các quỹ đầu tư vào trái phiếu suốt 4 tuần liên tiếp, giá trị gần 47 tỷ USD.

“Ngoài kia vẫn còn nhiều bất ổn”, Nela Richardson, chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones, nói. “Bất ổn về lợi nhuận doanh nghiệp, bất ổn kinh tế và còn sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng… khi họ phải đối mặt nguy cơ về sức khỏe và tìm cách tái khởi động cuộc sống của mình”.

Phố Wall giảm liên tục trong phiên 12 và 13/5 sau nhiều ngày tăng điểm trước đó. Ảnh: Reuters.

Phố Wall giảm liên tục trong phiên 12 và 13/5 sau nhiều ngày tăng điểm trước đó. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 13/5 cảnh báo về “giai đoạn tăng trưởng kinh tế suy yếu kéo dài”, viện dẫn các lo ngại về khả năng kiểm soát những đợt bùng phát Covid-19 tiếp theo và tốc độ phát triển vắc xin hoặc phương thức điều trị bệnh.

Một ngày trước đó, trong phiên điều trần trước Thượng viện, chuyên gia hàng đầu Mỹ về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci cảnh báo các bang dỡ bỏ lệnh phong tỏa có thể châm ngòi đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, đại dịch đã làm hơn 80.000 người Mỹ thiệt mạng.

Ngoài ra, căng thẳng Mỹ - Trung lại gia tăng, nhắc nhở thị trường về cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới từng khiến chứng khoán thế giới chao đảo trong nhăm 2019, và xuất hiện một số dự báo về áp lực giảm phát.

“Sự hoài nghi về khả năng Phố Wall tiếp tục tăng dần bộc lộ”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định. “Một xúc tác có thể không châm ngòi đợt giảm nhưng có những lo ngại đang tồn tại mà chúng tôi tin rằng… nhà đầu tư đang bỏ qua”.

Những lo ngại này bao gồm thiệt hại 103 tỷ USD từ các khoản cho vay của ngân hàng trong 4 quý tới, ít có công ty mua lại cổ phiếu, bất ổn chính trị trong nước và thế giới.

Một số nhà đầu tư nổi tiếng gần đây cảnh báo đợt tăng trên Phố Wall có dấu hiệu "quá đà". David Tepper của quỹ phòng hộ Appaloosa Management ngày 13/5 nói thị trường đang bị định giá quá cao. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York ngày 12/5, nhà quản lý quỹ phòng hộ Stanley Druckenmiller mô tả rủi ro trên thị trường là "tồi tệ nhất từng chứng kiến trong sự nghiệp”.

Đà tăng của Phố Wall tập trung vào nhóm nhỏ các cổ phiếu công nghệ và internet, che phủ lên sự yếu kém của các lĩnh vực khác, cũng là điều cần lưu ý. Trung bình, các cổ phiếu trong S&P 500 giảm 8,7% kể từ ngày 29/4, gần gấp đôi mức giảm của S&P 500 trong cùng giai đoạn, theo một phân tích của Bespoke Investment Group.

Diễn biến của S&P 500 trong vài tuần gần đây. Ảnh: Bloomberg.

Diễn biến của S&P 500 trong vài tuần gần đây.

Biến động gia tăng trên thị trường sẽ thúc đẩy dòng vốn vào các tài sản thu nhập cố định, đang thu hút nhà đầu tư muốn hưởng lợi từ chương trình mua lại trái phiếu mở rộng của Fed.

“Thị trường chứng khoán phát tín hiệu chúng ta sẽ hướng đến phục hồi kinh tế trong khi thị trường trái phiếu vẫn ‘ngồi im đó’”, Walter Todd, giám đốc đầu tư tại Greenwood Capital, nói. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang trong vài tuần qua, sau khi giảm mạnh vào cuối tháng 3. Lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều với giá.

Đợt tăng trên thị trường chứng khoán khiến các cổ phiếu nhạy cảm hơn với tin xấu, bao gồm những vấn đề các bang ở Mỹ có thể gặp phải khi họ tái mở cửa nền kinh tế trong vài tuần tới, theo Sameer Samana, chiến lược gia cấp cao thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute.

“Giá cổ phiếu có nguy cơ đi xuống nhiều hơn là lợi suất trái phiếu”, Samana nói. “Thị trường trái phiếu đang diễn biến khá thận trọng so với trước đây”.

Như Tâm (Theo Reuters)