Doanh nghiệp du lịch lữ hành kiên trì thực hiện nhiều biện pháp vực dậy sau bão dịch, mặc dù khó khăn song các ưu đãi hỗ trợ từ Chính phủ vẫn khó đến tay các doanh nghiệp.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID - 19, ngành kinh doanh du lịch lữ hành trong nước đang phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Theo báo cáo khảo sát từ Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), trong quý 1 năm 2020 có 71% doanh nghiệp bị giảm hơn 30% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với quý 2 năm2019. Khó khăn là vậy, nhưng doanh nghiệp du lịch cũng khó có thể tiếp cận được các ưu đãi từ chính sách.
Vực dậy sau bão
Đánh giá về thị trường du lịch ở thời điểm hiện tại ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing Công ty Cổ Phần Công nghệ Du lịch BestPrice Hà Nội cho biết: Du lịch nội địa đang có những dấu hiệu ấm lên từ đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì chỉ được khoảng 20 % - 30%. Tuy kết quả còn hạn chế nhưng đây sẽ là tín hiệu khả quan đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt giúp ngành du lịch sớm phục hồi trở lại.
"Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp du lịch cần thực hiện tốt khâu dịch vụ và tập trung vào một số thị trường ít bị ảnh hưởng. Phân khúc khách hàng thời gian này đa phần là những nhóm gia đình hoặc bạn bè với nhu cầu tour ngắn ngày, có khoảng cách từ 200- 300km. Bởi các tour du lịch combo kết hợp từ 2 dịch vụ trở nên như vé máy bay + khách sạn hoặc khách sạn + du thuyền tại điểm này có mức phí mua khá tiết kiệm đang trở thành xu thế được đông đảo du khách lựa chọn"- Ông Tú nói.
Nhận định về tiềm năng du lịch trong thời gian tới Ông Nguyễn Văn Dũng, GĐ Công ty du lịch Cổng châu Á cho biết: Nhằm kích cầu thị trường du lịch cũng như thực hiện chiến lược vực dậy của doanh nghiệp sau bão COVID- 19, các công ty đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Training nội bộ, tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu, rà soát gói sản phẩm dịch vụ, setup lại quy trình làm việc...
Bên cạnh đó nhiều công ty cũng thực hiện mở bán đa dạng hơn các sản phẩm voucher, chẳng hạn với voucher kết hợp giữa vé khách sạn + vé vui chơi, khách hàng có thể mua được sớm với giá rất rẻ, thậm chí có những deal giảm tới 50%, để thu hút khách hàng.
Khó khăn khi tiếp cận chính sách
Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển nhưng hầu hết các doanh nghiệp còn đang chới với vì khả năng phục hồi thị trường còn chậm, hoạt động ở lĩnh vực hạn hẹp ở thị trường nội địa (inbound), đóng cửa ở thị trường quốc tế. Do đó doanh nghiệp du lịch mong sớm tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ.
Nhận định về gói hỗ trợ của Chính phủ ông Tú chia sẻ: Doanh nghiệp rất cảm kích trước sự quan tâm kịp thời từ Nhà nước và Chính phủ tới các lĩnh vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành du lịch. Tuy nhiên doanh nghiệp du lịch gần như không thể tiếp cận được các ưu đãi từ gói hỗ trợ này.
Cụ thể để được hỗ trợ, các doanh nghiệp phải hoàn thành rất nhiều thủ tục. Trong đó có điều kiện phải chứng minh thiệt hại về tài chính do dịch bệnh, song khi doanh nghiệp vất vả ngược xuôi để hoàn thiện, phía ngân hàng lại đưa ra lý do không rõ ràng như lý do; suất ưu đãi này chỉ dành hỗ trợ những trường hợp khó khăn hơn...
Không những vậy, với ưu đãi hỗ trợ về gói tín dụng giảm lãi vay, ngân hàng cũng từ chối hồ sơ vay, với lý do doanh nghiệp không chứng minh được dòng tiền dương. "Đây thực sự là những rào cản lớn khiến DN khó có thể được hưởng các ưu đãi từ chính sách. Bởi duy trì còn khó khăn thì chúng tôi căn cứ vào đâu để chứng minh dòng tiền? Tôi mong rằng cần ban hành các quy định rõ ràng, văn bản hướng dẫn cụ thể để minh bạch hơn trong quy trình thực hiện Nghị quyết hỗ trợ của Chính phủ, không thể để cơ chế trên trải thảm dưới trải đinh thế như thế này..." - ông Tú bức xúc nói.
Cùng quan điểm trên, ông Bùi Thế Duy, giám đốc điều hành Lửa Việt tours cho biết doanh nghiệp đang kiệt quệ vì không có doanh thu sẽ không biết được dòng tiền sắp tới như thế nào, tính toán việc chi tiêu. Khi gói hỗ trợ được triển khai nhanh chóng với quy trình rõ ràng, doanh nghiệp mới nắm rõ mình được hỗ trợ gì, cần làm gì để tiếp cận gói hỗ trợ. Nếu để chậm quá, nhiều doanh nghiệp sẽ "chết" trước khi được cứu.
Cần có chiến lược cụ thể
Đưa ra giải pháp để kích cầu thị trường du lịch trong thời gian tới, doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ doanh nghiệp cũng như du khách bằng các hình thức như giảm hoặc miễn phí phí tham quan trong một thời gian 3 tháng hoặc dài hơn, tới thời có thông báo hết dịch tại các địa điểm du lịch. Trong đó các khu tham quan di tích, bảo tàng, vui chơi…miễn giảm ít nhất 50% kinh phí để thu hút du khách quay trở lại.
Đối với doanh nghiệp du lịch, lữ hành khách sạn, chính phủ nên giãn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp trong khoảng 1 tới 2 năm để doanh nghiệp có thêm thời gian tích lũy và phục hồi sau dịch. Nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực outbound và inbound. Bởi đối với các doanh nghiệp này việc phục hồi sẽ chậm hơn thị trường nội địa rất nhiều, có thể sẽ phải mất từ 6 tháng tới vài năm kể từ khi công bố hết dịch của các nước trên thế giới mới có thể hoạt động trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, Hiệp hội du lịch các tỉnh rất nên tổ chức các chương trình quảng bá, Framtrip nhằm giới thiệu các điểm du lịch mới để mở rộng thị trường và thu hút thêm lượng lớn du khách.
Lo ngại trước khó khăn của doanh nghiệp cũng như nguy cơ mất việc làm của người lao động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Mới đây TAB đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, nhiều giải pháp kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Trong đó, TAB kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị 150.000 tỷ VND cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Vì hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ. Rất nhiều DN vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ nhưng bất khả thi.
Theo chương trình này, các doanh nghiệp đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hàng quý cho hai quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều kiện này sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động. Đại đa số doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay. Trong đó những doanh nghiệp nằm trong diện đề xuất là phải có đầy đủ các yếu tố, bao gồm vốn điều lệ tối thiểu 3 tỷ đồng, có tối thiểu 10 người lao động toàn thời gian vào thời điểm 29/2/2020 cũng như đóng đủ các khoản thuế phí của năm 2019.
Phương Thanh