Khoáng sản: Khai thác lên rồi để…tồn kho

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 26 Tháng Bảy 2017 09:11:00

Là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, hầu hết các ngành của công nghiệp khai khoáng đều bế tắc đầu ra. Ngay tại thị trường trong nước, do giá thành sản xuất cao, chất lượng thấp nên không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Trong khi ngành dầu khí đối mặt với bất ổn giảm giá, ngành than lại đối mặt với tình trạng không thể cạnh tranh về giá và chất lượng với than nhập khẩu, nhiều ngành khai thác, chế biến các loại khoáng sản khác cũng gặp tình cảnh tương tự… Bức tranh tăng trưởng của ngành khai khoáng 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm vì thế sẽ không thể sáng sủa.

Giá giảm, cạnh tranh yếu

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành khai khoáng 6 tháng đầu năm 2017 giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016. Mức giảm này đã được thu hẹp dần qua các tháng của năm 2017.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng mức suy giảm của ngành khai khoáng đã tiếp tục tác động khiến tăng trưởng toàn ngành công nghiệp thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ 2016.

Cụ thể, với ngành dầu khí, giá dầu cơ sở bình quân 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 54,6 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu hiện nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 7 tháng gần đây, còn 46 USD/thùng.

Nguyên nhân là do Mỹ tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến (dự kiến tăng lên 780 thùng/ngày năm 2017), Nga có xu hướng khai thác thêm dầu trong những tháng hè; việc tuân thủ cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC là chưa nghiêm túc,ví dụ như Libya tăng sản lượng dầu thô khai thác lên mức 900.000 thùng/ngày; Iraq cũng đang tính đến khả năng sản xuất cao hơn trong năm nay.

Sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do hầu hết các mỏ đều đã qua thời điểm đỉnh khai thác, hiện tại đang thuộc giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên theo như sơ đồ công nghệ.

Với ngành than, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng than sạch ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2016, bằng khoảng 44,5% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tồn kho than 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 10,11 triệu tấn, trong đó TKV khoảng 9,3 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc khoảng 920 nghìn tấn.

Nguyên nhân làm cho ngành khai thác than đạt thấp so với kế hoạch chủ yếu là do điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu và xa hơn, việc áp dụng mức tính thuế và phí mới làm cho chi phí khai thác tăng, dẫn đến giá thành sản xuất cao, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu.

6 tháng đầu năm mới chỉ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn, do nhu cầu thị trường thấp trong khi nguồn cung than trên thế giới đang có xu hướng tăng, đặc biệt là từ Indonessia, Australia.

Với ngành khai thác, chế biến các loại khoáng sản khác, tốc độ tăng trưởng của một số sản phẩm như đá xây dựng, cát, sỏi thấp hơn so với cùng kỳ. Một số nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm, nguồn cung khai thác cát, sỏi gặp nhiều khó khăn; giá cát, sỏi tại nhiều nơi tăng cao, dẫn đến tăng chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời tăng trưởng bất động sản thấp hơn cùng kỳ năm 2016.

Giá quặng sắt 62% Fe sau khi tăng lên mức đỉnh 95 USD/tấn CFR Trung Quốc vào cuối tháng 2 lại điều chỉnh giảm và hiện xuống còn 56 USD/tấn CFR. Một số DN xin trả lại mỏ như Tập đoàn Hoà Phát xin trả lại mỏ sắt Tùng Bá (tỉnh Hà Giang), mỏ Làng Mị tỉnh Yên Bái.

Giá hầu hết các mặt hàng kim loại đều giảm so với cùng kỳ như chì, kẽm.. trong khi các loại thuế, phí trong nước lại tăng (thuế tài nguyên đối với quặng sắt, chì – kẽm tăng), dẫn đến sức cạnh tranh xuất khẩu yếu.

Có nên “cứu trợ”?

Trước đó, báo cáo kết quả công nghiệp 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng nhóm ngành khai khoáng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dầu khí sẽ gặp khó khăn do mùa gió chướng, ngành than gặp khó do nhu cầu thị trường còn thấp, xuất khẩu gặp khó do giá thành cao…

Đặc biệt, dự báo chỉ số IIP của ngành khai khoáng bằng 92,9% so với năm 2016 và giá trị gia tăng (VA) của nhóm bằng khoảng 92% so với năm 2016. Về khai thác dầu, khí: dự báo 6 tháng cuối năm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của giá dầu.

Nếu khai thác đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng, xung đột ở Trung Đông gia tăng và các thành viên OPEC không đạt được thoả thuận về việc tiếp tục duy trì cắt giảm sản luợng đến ngoài quý I/2018 thì giá dầu thô dự báo trong quý III, IV năm 2017 sẽ duy trì ở mức thấp, 40-50 USD/thùng. Điều này sẽ dẫn đến việc thu xếp tài chính là rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tồn kho than sạch cuối năm 2017 dự kiến sẽ là khoảng 13,85 triệu tấn. Trong đó, TKV tồn kho khoảng 13 triệu tấn, Than Đông Bắc 850 nghìn tấn do giảm tiêu thụ cho các nhà máy điện của EVN 02 triệu tấn.

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng than của TKV năm 2017 từ 19,92 triệu tấn giảm xuống 17,92 triệu tấn, việc cắt giảm sản lượng sẽ gây thiệt hại cho

TKV và các đối tác do đã ký hợp đồng triển khai kế hoạch từ đầu năm 2017 từ đầu năm 2017, dẫn đến khả năng làm tăng tồn kho than so với kế hoạch.

Vì vậy, mới đây, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo đề nghị các đơn vị EVN, PVN và các hộ sản xuất phân bón (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty xi măng Việt Nam) ưu tiên sử dụng than của TKV trên cơ sở áp dụng nguyên tắc giá thị trường và thực hiện mua than của TKV, Tổng công ty Đông Bắc theo đúng khối lượng như thoả thuận mua bán than đã ký kết đầu năm. Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì, hiệp thương giá bán than đến các hộ tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, để các DN trong nước ưu tiên sử dụng than của TKV và than Đông Bắc, về nguyên tắc, giá bán than tối đa bằng giá than nhập khẩu, đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương kiểm tra cụ thể cơ cấu hình thành giá bán than hiện nay, tác động từ việc điều chỉnh các loại thuế trong năm 2017 tới giá thành sản xuất, tác động từ việc điều chỉnh các loại thuế trong năm 2017 tới giá thành sản xuất, đồng thời giao TKV và Công ty Đông Bắc báo cáo cụ thể về việc tiết giảm chi phí năm 2017.

Riêng đối với ngành dầu khí, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển, khai thác các mỏ/công trình khai thác dầu khí, đảm bảo nguyên tắc khai thác an toàn, hiệu quả các mỏ, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng thiết bị so với kế hoạch, tối ưu và quản lý khai thác các mỏ. Đề nghị PVN theo dõi sát diễn biến của giá dầu, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong việc khai thác dầu khí năm 2017.

“Trong việc huy động các nguồn điện thương phẩm năm 2017, đề nghị EVN sử dụng tối đa công suất nguồn nhiệt điện từ khí để đảm bảo thực hiện vượt mức sản lượng khí so với kế hoạch đề ra”, Thứ trưởng Hiếu đề nghị.

Lê Thúy

Gs. Ts. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Nếu khai thác thêm dầu, than… xuất khẩu khoáng sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ cho các DN nếu giá mặt hàng này trên thế giới biến động và đặc biệt, thể hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên.

Ông Đinh Tuấn Minh-  Chuyên gia Kinh tế

Kế hoạch tăng cường khai thác khoáng sản của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh giá dầu thô quay trở lại xu hướng suy giảm sau khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Ả Rập. Kế hoạch hút thêm 1 triệu tấn dầu thô có thể sẽ khó khả thi nếu như giá dầu thô duy trì ở mức thấp vì việc hút thêm dầu thô để bán có thể sẽ dẫn đến thua lỗ cho đơn vị khai khác.

Ts. Nguyễn Thành Sơn - Chuyên gia Kinh tế độc lập

Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế là nhập khẩu hiện nay hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn mà lại không mất tài nguyên, không ảnh hưởng môi trường. Tài nguyên của chúng ta “cơm không ăn thì gạo còn đó”. Chúng ta có thể đợi tới lúc công nghệ phát triển, kỹ thuật giúp chi phí thấp hơn thì khai thác. Không chỉ than, mà các sản phẩm khác như nhôm, đồng, titan… càng để lâu trong lòng đất càng giá trị, vì trữ lượng có hạn.

 

Lê Thúy