Theo thống kê, có 184 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trong ngành gỗ tại Việt Nam, trong đó có 93 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam.
Đến nay thông tin về tác động của dịch COVID-19 còn chưa rõ ràng, tuy nhiên, ông Nguyễn Tôn Quyền - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFORES cho rằng, do Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam cả xuất khẩu và nhập khẩu, tác động của dịch tới ngành gỗ Việt Nam có thể nói là không thể tránh khỏi.
Dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đạt kim ngạch 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trong năm ngoái.
Ông Quyền cũng lưu ý rằng, việc tác động không chỉ trực tiếp tới các chuỗi cung của các mặt hàng giao dịch giữa hai quốc gia là dăm gỗ, gỗ tròn, xẻ, các loại ván mà còn cả tới các chuỗi cung ứng liên quan đến nguyên phụ liệu của ngành, cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành chế biến gỗ. Bên cạnh đó, các chính sách phong tỏa dịch của cả Việt Nam và Trung Quốc có tác động trực tiếp tới sự vận hành của các công ty đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam.
Dịch COVID-19 làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang thị trường này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tầu biển. Điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ.
Nguyên Phó Chủ tịch VIFORES kiến nghị, nhà nước xem xét tạo điều kiện về lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm dăm, viên nén… để doanh nghiệp sớm hoàn thiện dây truyền sản xuất, nắm bắt cơ hội hiện nay.
Thừa nhận tác động từ dịch COVID-19 đến ngành gỗ, nhưng ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Công ty Scasia Pacific - cựu Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM có cái nhìn khá lạc quan. Ông Thắng cho rằng trong “nguy” vẫn có “cơ”.
“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu, củng cố lại nguồn lực để đón nhận những diễn biến của thị trường. Đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất công nghiệp phụ trợ để hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành gỗ và nội thất”, ông Thắng nói
Sắp tới, từ ngày 11-14/03/2020, HAWA sẽ phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam tại TP.HCM (VIFA-EXPO 2020).
Đặc biệt lần này có sự đồng hành của Chính phủ, trực tiếp Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ khai mạc và chủ trì “Hội nghị định hướng phát triển ngành Công nghiệp Chế biến lâm sản bền vững, hiệu quả năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Đây là vinh dự, một tín hiệu đáng mừng, một cơ hội mới cho những bước phát triển của ngành trước sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ Thủ Tướng Chính Phủ. Đặc biệt trong lúc nguy khó bởi đại dịch, thì việc này như nguồn động viên tinh thần cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày hội chợ cũng như sự quyết tâm của chính phủ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, tạo tâm lý an toàn cho khách hàng đến.