Hùng Vương thả cá, Thadi nuôi heo

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 28 Tháng Hai 2020 14:49:00

Hùng Vương sẽ phát hành cho Thaco thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ, giá 10.000 đồng/cp.

Chiều ngày 28/2, Hùng Vương (HoSE: HVG) tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 để báo cáo kết quả kinh doanh, phương hướng hoạt động thời gian tới, thay đổi nhân sự, chấp thuận cho cổ đông mua thêm cổ phần…

Tính đến 14h30, số cổ đông tham dự là 71 người đại diện cho 79% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Kế hoạch lãi 350 tỷ đồng

Năm tài chính 2019 là tiếp tục là thời gian khó khăn cho Hùng Vương khi doanh thu giảm phân nửa còn khoảng 4.100 tỷ đồng và thua lỗ đến 1.075 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do cú sốc POR14 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đồng thời ngành cá tra cũng thoái trào sau giai đoạn tăng nóng 2017-2018.

Sang năm 2020, Hùng Vương có kế hoạch thay đổi niên độ tài chính sang thời gian 1/1-31/12/2020. Với giai đoạn 1/10/2019-31/12/2019, công ty sẽ tách ra thành 1 kỳ riêng và được kiểm toán.

Đặt chỉ tiêu cho năm 2020 (kết thúc 31/12), Hùng Vương đặt kế hoạch khá tham vọng với chỉ tiêu doanh thu 11.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Con số này đều giảm so với kế hoạch ban đầu là 12.524 tỷ doanh thu và lãi 790 tỷ đồng.

hvg-a-1430-1582875522.jpg

Kế hoạch mới của Hùng Vương.

Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Thaco

Đầu tháng 1, Hùng Vương và Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi đã ký kết hợp tác chiến lược. Trong đó, Thadi muốn sở hữu 35% vốn Hùng Vương và nắm 65% vốn trong liên doanh phát triển mảng sản xuất heo giống.

Do vậy, HĐQT trình cổ đông thông qua việc Thadi nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% vốn mà không phải thực hiện chào mua công khai. Hiện Thadi đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, Hùng Vương còn có kế hoạch huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 20 triệu cổ phiếu cho Thaco Group và các bên liên quan. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về 200 tỷ đồng, được dùng để bổ sung vốn lưu động cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.

Song song đó, công ty tiến hành bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2021. Cơ cấu HĐQT hiện nay của Hùng Vương có 5 thành viên trong đó, ông Dương Ngọc Minh là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

Hai thành viên từ nhiệm là ông Nguyễn Văn Ký (thành viên HĐQT) vì lý do sức khỏe và thành viên Trần Ngọc Vân (Ban kiểm soát) vì công việc cá nhân. Trong khi đó ông Nguyễn Phúc Thịnh (đang làm việc cho Thaco) được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT và ông Bùi Minh Khoa (đang làm việc cho Thaco) ứng cử thành viên ban kiểm soát.

hvg-jpeg-9297-1582877402.jpg

Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh phát biểu tại họp ĐHĐCĐ thường niên chiều nay. Ảnh: Huy Lê

Thadi nắm mảng heo, Hùng Vương tập trung cá tra

Mở đầu buổi họp, Chủ tịch Ngọc Minh gửi lời xin lỗi đến cổ đông vì không đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2019 do không lường trước được kỳ review POR14 và các khó khăn của ngành cá tra. Đứng trước những khó khăn, ông Minh cho biết đã chủ động gặp ông Trần Bá Dương để bàn về hợp tác phát triển lâu dài. Trong kế hoạch, Thadi chiếm 35% cổ phần Hùng Vương và ngược lại Hùng Vương chuyển giao lại phần chăn nuôi về cho Thadi (Hùng Vương chỉ tham gia ở liên doanh chăn nuôi heo với Thadi).

Đánh giá về mảng heo, ông cho rằng tổng đàn heo sụt giảm lớn và muốn tái đàn thường mất 2 năm. Tình hình giá heo sau tết hầu hết vẫn còn cao, nhu cầu sử dụng giảm nhưng giá bán không giảm, chứng tỏ lượng thịt heo thiếu hụt và thời gian tái đàn mất lâu.

Do thiếu năng lực tài chính bởi sự ngần ngại của ngân hàng trong vấn đề đầu tư nông nghiệp, ông Minh nói công ty cần phải đổi “tay chơi”. Hùng Vương có sẵn đàn giống lợn cụ kỵ ông bà nhưng lại vấp phải vấn đề là xây dựng chuồng trại. Do đó, Thadi sẽ nắm mảng heo và Hùng Vương tập trung vào các mảng cũ.

“Năm 2020, công ty đi vào trọng tâm cái cũ đó là vấn đề chế biến cá tra, thức ăn thủy sản và kho bãi. Công ty đã triển khai đầu tư về trang thiết bị và xây dựng kho lạnh 60.000 tấn theo thế hệ mới dự kiến hoạt động đầu tháng 8”, ông Minh chia sẻ về mảng trọng tâm phát triển.

Với mảng thủy sản, ông Minh cho rằng thị trường vẫn rất khó khăn vì thị trường Trung Quốc (vốn chiếm trên 30% tổng xuất khẩu của Việt Nam) gặp khó do diễn biến dịch Covid-19. Ông nói rằng các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL trong 3 tháng qua gần như “đứng hình” khi năng lực chế biến giảm đến 50%, kéo theo khó khăn ở các thị trường khác.

Ngoài ra, khu vực châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng do nhiều nước công bố dịch Covid-19. Do đó, Chủ tịch Hùng Vương không thể đưa ra bất kỳ nhận định nào trước diễn biến dịch.

Là nhà đầu tư nhận chuyển giao mảng heo, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết Hùng Vương có một số vấn đề lớn như lỗ lũy kế lớn trên nghìn tỷ, riêng nhà máy thức ăn chăn nuôi heo lỗ 255 tỷ đồng. Riêng mảng heo vay nợ 1.500 tỷ đồng (780 tỷ từ ngân hàng và vay nội bộ) nhưng dịch bệnh và thiếu vốn đã khiến công ty khó khăn.

Hùng Vương cũng khó bán được heo con và kéo theo doanh thu thức ăn chăn nuôi giảm dẫn tới lỗ, ngân hàng không dám cho vay. Ông Dương cho rằng quản lý mảng heo là rất khó, Thadi tiếp nhận là rủi ro nhưng là con đường cứu cánh cho Hùng Vương. Việc này giúp ông Minh tập trung mảng cá cũng đang thiếu vốn.

Lành mạnh hóa tài chính

Nói thêm về việc phát hành riêng lẻ, Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết nhóm Thaco và cá nhân ông sẽ cùng mua. Dòng tiền thu về sẽ tập trung bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Hùng Vương còn có lượng tiền lớn từ việc bán mảng heo cho Thadi và bán các tài sản không cần thiết khác. Nhiều tài sản theo ông Minh là đã hết khấu hao nhưng sẽ bán theo giá thị trường và ghi nhận sự chênh lệch giá, giúp giảm nợ vay ngân hàng.

Việc đầu tư mảng heo đã khiến Hùng Vương bị chôn vốn nhưng lại không thể triển khai thêm vì ngân hàng không giải ngân. Việc thay đổi tay chơi sang Thadi sẽ huy động được vốn ngân hàng cho mảng này. Với việc rút được vốn bị chôn chân ở mảng heo và bán nhiều tài sản để giảm nợ, Hùng Vương sẽ lành mạnh hóa tài chính theo lời ông Dương Ngọc Minh.

“Hiện bản thân công ty mẹ của Hùng Vương chỉ vay nợ 2 ngân hàng gồm BIDV giá trị 900 tỷ và Vietcombank khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng do sở hữu hệ thống các đơn vị thành viên dẫn đến nợ của Hùng Vương khá rắc rối. Công ty sẽ quyết tâm sàng lọc và chuyển giao tài sản, giảm nợ vay để lành mạnh hóa tài chính”.